Bí thư Hà Nội nói về vụ bác sĩ vứt xác bệnh nhân phi tang
VOV.VN -Phải xử lý nghiêm để giáo dục, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn những việc khác trong tương lai.
Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, sáng nay (24/10) Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Quang Nghị đã trao đổi với báo chí về vụ việc đang được dư luận quan tâm tại Thẩm mỹ viện Cát Tường.
PV: Xin ông cho biết suy nghĩ của mình về vụ việc xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường?
Ông Phạm Quang Nghị: Vụ việc này xảy ra ngoài tưởng tượng, ngoài suy nghĩ bình thường của mọi người. Một mức vi phạm không chỉ về phẩm chất đạo đức rất nghiêm trọng đối với một người thầy thuốc mà ngay cả mặt lý trí để xử lý hậu quả do mình gây ra cũng vượt quá ngưỡng mà mọi người có thể nghĩ đến. Nên mức độ gây chấn động trong xã hội rất lớn.
Tất cả các cơ quan nào thấy mình có trách nhiệm đều phải vào cuộc, từ cấp phép đến quản lý cán bộ cho tới những lĩnh vực có liên quan đến sức khỏe con người.
Việc xử lý phải rất đồng bộ, cương quyết để không những xử lý được việc này, mà còn có giá trị giáo dục, cảnh báo, răn đe những việc khác trong tương lai.
Tôi nghĩ, báo chí ngoài việc thông tin, miêu tả, phân tích nguyên nhân thì cũng phải định hướng cho dư luận xã hội nhìn nhận vấn đề này trở lại đúng những phạm trù đạo đức vốn có, để không xảy ra việc tương tự. Ví dụ, cũng một người thầy thuốc không cố ý gây ra hậu quả ấy, nhưng khi đã xảy ra rồi phải ứng xử như thế nào chứ không thể xử sự như thế.
PV: Vậy trách nhiệm sẽ thuộc về ai, thưa ông?
Ông Phạm Quang Nghị: Trách nhiệm này thuộc thứ nhất là hệ thống cơ chế chính sách quản lý hiện nay về các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cấp phép như thế nào, rồi kiểm tra sau khi được cấp phép ra sao. Bởi vì có khi cấp phép một đằng, nhưng những người thực hiện dịch vụ y tế lại chuyển sang làm một việc khác. Cơ sở này chưa được cấp phép để làm kỹ thuật thẩm mỹ, nhưng lại tự ý làm. Bác sỹ dù có tay nghề chuyên môn “cứng” nhưng để làm được một việc như vậy cũng cần phải có một hệ thống trang thiết bị, rồi những người giúp việc phải am hiểu lĩnh vực chuyên môn thì mới có thể làm được. Nếu việc ấy xảy ra ở một bệnh viện hiện đại thì chưa chắc đã chết người, người ta có những phương tiện cấp cứu kịp thời.
TP Hà Nội là địa bàn xảy ra vụ việc, nhưng nhiều cơ quan ban ngành cũng phải có trách nhiệm cùng xử lý.
Thứ nữa, tôi thấy báo chí hay dư luận cũng ít thấy đề cập là sự thiếu cẩn trọng trong việc lựa chọn các dịch vụ có liên quan đến sức khỏe con người. Một việc rất quan trọng liên quan đến sức khỏe, nhưng việc lựa chọn dịch vụ này xem ra vẫn bất cẩn.
PV: Sau vụ việc này, TP Hà Nội có xem xét lại việc cấp phép, quản lý các phòng khám, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, thưa ông?
Ông Phạm Quang Nghị: Những cơ chế chính sách mà lâu nay chúng ta cũng muốn tạo ra sự thông thoáng để cho người dân lựa chọn các dịch vụ y tế, bây giờ cũng phải tính lại xem “thoáng đến mức nào là vừa”, giới hạn được làm đến đâu và việc gì không được phép.
Chúng ta cũng muốn để cho bác sĩ ngoài giờ làm việc có thể làm thêm. Nhưng làm ngoài đến mức độ thế nào thôi, loại dịch vụ y tế nào thôi. Những cái rất hệ trọng đến sức khỏe con người thì phải là những bệnh viện hiện đại, chứ không phải một con dao, một dụng cụ, một người thầy thuốc là có thể làm được mọi thứ.
PV: Ông đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội và Sở Y tế vào cuộc như thế nào?
Ông Phạm Quang Nghị: Bây giờ tất cả các khâu phải ra soát lại hết. Ngay như quảng cáo, những người đăng có chịu trách nhiệm không, có đến thẩm tra xem người ta quảng cáo như vậy nhưng chất lượng, chuyên môn, thiết bị có đúng như thế không. Hay là người ta cứ gửi quảng cáo tới, đưa tiền là mình đăng? Nên có thể nói có rất nhiều cơ quan phải chịu trách nhiệm. Ví dụ quảng cáo về chuyên môn y tế phải được sự đồng ý của cơ quan y tế đánh giá xem nội dung quảng cáo có đúng không; hay thực phẩm phải là cơ quan quản lý thực phẩm. Cho nên tất cả mọi thứ đều phải kiểm soát lại.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Chúng tôi hiện đang nỗ lực!”
Vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong thời gian qua báo động rất lớn. Chúng tôi cũng hết sức đau đớn, xót xa trong chuyện này. Với trách nhiệm trong ngành, tôi cảm thấy rất nặng nề.
Điều này không chỉ hướng đến ngành y tế mà phải toàn xã hội tập trung hỗ trợ, lên án những hành động thiếu đạo đức nghề nghiệp, không riêng gì trong ngành y mà cả những hành động thiếu đạo đức của con người nói chung.
Chuyện này với ngành y thì càng phải nâng cao. Phải có những chế tài nghiêm túc. Cái này chúng tôi đang tìm mọi biện pháp, kể cả giáo dục, kể cả vấn đề cơ chế tài chính và vấn đề về pháp luật nhưng không thể làm được trong một sớm một chiều và cả xã hội phải đồng tâm, đồng lòng để xây dựng đạo đức xã hội nói chung và đạo đức ngành y tế nói riêng.
Chúng tôi hết sức đau xót, khổ tâm và day dứt. Chúng tôi đang tìm mọi biện pháp với mọi chuyên gia để giải quyết vấn đề này. Tôi mong là hệ thống truyền thông làm sao giúp cái tốt nhân lên, nhưng với cái xấu phải hết sức nghiêm khắc và giải quyết theo đúng pháp luật, không bao che. Chúng tôi biết là người dân than phiền. Chúng tôi chứng kiến điều đó và hiện đang nỗ lực.