Các chiêu trò lừa đảo bệnh nhân

VOV.VN - Lợi dụng tâm lý bất an và lo lắng của người bệnh và thân nhân, nhiều đối tượng xấu đã dùng nhiều chiêu thức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Gần đây, tình trạng này không những không giảm mà còn xuất hiện thêm nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi và bài bản hơn.

Ngày 8/6 vừa qua, anh Phan Văn Luân, 22 tuổi, quê ở Trà Vinh đang chăm sóc mẹ già bị bệnh tim và tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã bị kẻ xấu lừa đảo. Một giọng nam gọi điện thoại cho anh Luân tự xưng là nhà báo, cho biết đã quyên góp 50 triệu đồng để chữa bệnh cho mẹ anh. Người này yêu cầu anh Luân mua thẻ cào mạng Viettel trị giá 2,4 triệu đồng để nạp vào một số điện thoại di động. Sau khi nạp tiền xong thì anh Luân đã không thể liên lạc được với số điện thoại gọi đến. 

Một số bệnh viện tại TP HCM có dán hình ảnh những đối tượng lừa đảo trong bệnh viện để bệnh nhân và thân nhân cảnh giác 

Trước đó khoảng 2 tuần, cũng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Nguyễn Thị Kim Giàu, ở An Giang đang chăm sóc cho người chị ruột là Nguyễn Thị Liên bị bệnh nặng, cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại yêu cầu nạp thẻ cào Viettel trị giá 1 triệu đồng thì sẽ nhận được một số tiền là 160 triệu đồng. Chị Giàu cho biết:  “Người ta gọi cho em nói là có ngân hàng ở nước ngoài hỗ trợ để chữa bệnh cho chị Nguyễn Thị Liên và cho số điện thoại để gọi điện vào lãnh tiền. Em nghe lời nên bấm số gọi vào số điện thoại có mã đầu là 008 và nghe hướng dẫn muốn lãnh 160 triệu đồng phải mua 5 thẻ cào Viettel. Dặn là đừng nói cho ai biết để khỏi bị giựt tiền. Mong rằng những người như vậy cần có lương tâm một chút vì người ta nằm bệnh viện là đã khổ lắm rồi”.

Chỉ trong thời gian ngắn đã có ít nhất 2 trường hợp bị kẻ xấu lừa đảo với thủ đoạn nạp tiền điện thoại như trên. Nhưng đây chỉ là những trường hợp có thông báo đến Đơn vị Y xã hội của Bệnh viện Chợ Rẫy. Chắc chắn trên thực tế số người bị hại còn nhiều hơn. Một trong những nguyên nhân để kẻ xấu thực hiện được chiêu lừa đảo này là thông tin cá nhân của người bệnh, hoặc thân nhân được công khai trên các trang mạng, hay báo điện tử để kêu gọi sự giúp đỡ của xã hội.

Ông Lê Minh Hiển, Trưởng Đơn vị Y xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Tôi thấy đây là một hiện tượng lừa đảo, không chỉ xảy ra ngoài xã hội mà trong bệnh viện đã xảy ra. Tôi mong rằng người bệnh hãy tỉnh táo, trước vấn đề cho tặng. Vì nếu ai có tấm lòng từ thiện thì đã vào tận bệnh viện. Cơ quan chức năng cũng nên chú ý đến những hành vi lừa đảo của các đối tượng này, họ không chừa một ai kể cả người nghèo”.

Cùng với sự phát triển của mạng internet thì thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu ngày càng tinh vi và bài bản. Tháng 11 năm ngoái, khi cháu Nguyễn Quốc Huy – em bé may mắn sống sót sau khi văng ra khỏi bụng mẹ trong một vụ tai nạn giao thông nhận được một số tiền khá lớn thì các đối tượng xấu đã lập rất nhiều tài khoản ảo trên mạng internet để tìm cách chiếm đoạt số tiền ủng hộ của cộng đồng. 

Ngoài những chiêu thức mới kể trên thì tại một số bệnh viện, nhất là các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối có đông bệnh nhân đến khám và điều trị, vẫn còn tình trạng kẻ xấu trà trộn dùng thuốc mê trong thức ăn, nước uống để chiếm đoạt tài sản. Thậm chí đã có trường hợp các đối tượng giả danh bác sĩ, y tá để lừa lấy tiền bệnh nhân.

 Ông Trần Cư, Đội trưởng Đội bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Mời đi ăn, hay mời café hay bánh mì là những chiêu để các đối tượng tiếp xúc lừa đảo. Trong đó có thuốc mê. Hoặc dụ dỗ gạ gẫm nói quen với y tá, bác sĩ giúp đỡ để điều trị cho người nhà tốt hơn. Bảo vệ đã bắt rất nhiều vụ rồi. Tốt nhất lạ thì không tiếp xúc để ăn uống”.

Một đối tượng giả danh bác sĩ bị lực lượng bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy bắt giữ 

Còn tại một số bệnh viện khác có đông bệnh nhân như Bệnh viện Ung bướu thành phố hay Bệnh viện Da liễu thì tình trạng cò bên ngoài bệnh viện lừa lấy tiền rồi bỏ mặc người bệnh vẫn diễn ra. Ông Võ Duy Thức, Phó Trưởng phòng Hành chính quản trị, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết: “Phần lớn bệnh nhân tuyến tỉnh rất là cả tin và bỡ ngỡ nên dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo dụ dỗ, đưa sang những phòng khám gần bệnh viện. Cần phải có biện pháp chế tài các đối tượng này để tránh lừa gạt bệnh nhân. Vì chưa chắc bệnh nhân được đưa đi khám đúng bác sĩ chuyên khoa ung thư, rồi còn tiền khám, tiền chụp phim, xét nghiệm... rất là cao. Cái này phải nhờ nhiều cơ quan, đơn vị một mình Bệnh viện Ung bướu thì không thể chịu nổi”. 

Những trường hợp lừa đảo, trộm cắp trong bệnh viện vẫn thường xuyên diễn ra khi mà giữa ngành y tế và công an đã có kí kết đảm bảo an ninh cho các cơ sở y tế... Thiết nghĩ, ngoài nhu cầu được khám và điều trị thì người bệnh cũng rất cần một môi trường an ninh, an toàn khi đến các cơ sở y tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cảnh giác với đối tượng giả danh bác sỹ lừa đảo bệnh nhân
Cảnh giác với đối tượng giả danh bác sỹ lừa đảo bệnh nhân

VOV.VN - BV Bạch Mai vừa bắt quả tang 1 đối tượng giả danh bác sĩ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của bệnh nhân.

Cảnh giác với đối tượng giả danh bác sỹ lừa đảo bệnh nhân

Cảnh giác với đối tượng giả danh bác sỹ lừa đảo bệnh nhân

VOV.VN - BV Bạch Mai vừa bắt quả tang 1 đối tượng giả danh bác sĩ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của bệnh nhân.