Các địa phương cần chủ động ứng phó bão số 7
VOV.VN -Các tỉnh vùng núi phía Bắc cần chủ động triển khai các phương án đối phó với mưa, lũ lớn gây lũ quét, sạt lở đất.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm được xác định là Bắc vĩ tuyến 15, nhất là các vùng Đông bắc biển Đông và Tây Bắc của Vịnh Bắc bộ. Các tỉnh ven biển Bắc bộ, đặc biệt là Quảng Ninh và Hải Phòng chủ động việc cấm biển.
Người dân đắp bờ ngăn nước biển dân trong khu du lịch Hải Tiến (Thanh Hóa) (Ảnh: CTV Nguyễn Hải) |
Các tỉnh vùng núi phía Bắc cần chủ động triển khai các phương án đối phó với mưa, lũ lớn gây lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo an toàn hồ chứa.
Các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ khẩn trương xử lý các sự cố đê điều xuất hiện thời gian qua để kịp thời đối phó với diễn biến mưa, lũ do bão gây ra.
Bộ Ngoại giao có công hàm đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ ngư dân tránh, trú bão và cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.
Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên và báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
** Trước đó, chiều 12/8, các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương họp khẩn, bàn biện pháp triển khai ứng phó bão số 7 (có tên gọi quốc tế là Utor) đã đi vào biển Đông.
Bão số 7 là siêu bão đầu tiên trên biển Đông trong năm nay, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15, sau khi đổ bộ vào đảo Luzong, Philippines vào trưa 12/7 đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản ở quốc gia này.
Tính đến 16h30 chiều cùng ngày, các địa phương phối hợp với biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau, đã kêu gọi và thông tin đường đi của bão số 7 đến hơn 68.000 phương tiện, với gần 300.000 lao động đang hoạt động vào nơi trú ẩn, chủ động di chuyển phòng tránh.
Hiện trên khu vực Bắc và giữa biển Đông bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang còn 1.142 phương tiện với khoảng 11.000 lao động. Đại tá Vũ Thế Chiến, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện khu vực quần đảo Hoàng Sa còn 76 tàu của ngư dân Quảng Bình đang di chuyển vào đất liền trú tránh bão.Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, chiều 14/8, bão số 7 khi đi vào bán đảo Lôi Châu, Trung Quốc, khả năng mạnh lại lên cấp 13 đến 14, ảnh hưởng đến đất liền và tàu, thuyền trên biển trong Vịnh Bắc bộ. Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Cơn bão này sẽ mạnh lại trong vòng 2 ngày sắp tới, khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh khu vực Đông bắc nước ta, với gió mạnh cấp 6, nếu tâm bão lệch về phía Nam có thể lên đến cấp 10. Các tỉnh Quảng Ninh nhất là Móng Cái sẽ xuất hiện gió cấ 10. Về tình hình mưa tiếp tục có 1 đợt mưa nữa ở các tỉnh Đông bắc và miền núi phía Bắc nước ta trong 3 ngày từ ngày 15-17/8.
Các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho rằng, bão số 7 là cơn bão mạnh nhất trong năm nay và có diễn biến phức tạp, mặc dù tâm bão số 7 đi vào phía Trung Quốc, nhưng không loại trừ sẽ ảnh hưởng đến nước ta. Các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão theo dõi chặt diễn biến bão, tiếp tục xác định vùng nguy hiểm để chủ động, hướng dẫn các tàu thuyền hoạt động trên biển di chuyển tránh trú bão, nhất là phần phía Tây và phía Bắc của Vịnh Bắc bộ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: Các địa phương tập trung kêu gọi tàu thuyền, có một số tàu, thuyền đang ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa phải thông tin cho ngư dân biết để tìm nơi trú tránh, chỉ đạo các tỉnh khẩn trương kêu gọi tàu thuyền ở Vịnh Bắc bộ, nhất là vùng phía Bắc của Vịnh. Riêng Quảng Ninh và Hải Phòng xem xét việc cấm biển đối với các tàu thuyền trong thời điểm này. Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc đề phòng lũ lớn, các tỉnh ven những sông lớn nhanh chóng khắc phục sự cố đê điều để chống lũ mới khi bão số 7 đổ bộ gây mưa lớn.
Tối 12/8, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã ra Công điện khẩn số 46 yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ, và các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên; Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Giao thông và Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó bão số 7./.