Các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ
VOV.VN -Công tác tìm kiếm người mất tích trong mưa lũ, giải tỏa ùn tắc do sạt lở đất đang được các địa phương tiến hành triển khai.
Sáng 7/9, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương họp bàn đánh giá công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất ở miền núi phía Bắc và ứng phó áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.
Tính đến sáng 7/9, đã có 25 người thiệt mạng do mưa lũ, lũ quét sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc, 2 người bị mất tích, 16 người bị thương. Nhà sập đổ và bị cuốn trôi là 38 nhà; diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại gần 6.800ha. Lúc 16 giờ chiều qua, tỉnh lộ 155 qua xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai bị sạt lở 20.000 mét khối đã thông xe tạm thời. Các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống người dân.
Hình ảnh ngổn ngang sau lũ ở Bản Khoang, Sa Pa, Lào Cai |
Trong 3 ngày qua, mưa lớn tập trung ở khu vực Bắc bộ, với lượng mưa phổ biến dưới 160mm. Một số nơi mưa cục bộ hơn 300mm đến 470mm ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Cô Tô (Quảng Ninh).
Hiện nay, lũ trên sông Đà, sông Thương đã đạt đỉnh và đang giảm, riêng mực nước sông Cầu và hạ lưu hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đang lên chậm. Hầu hết các hồ chứa thủy lợi các tỉnh Bắc bộ đã tích đầy nước. Để giảm áp lực lũ cho vùng hạ du các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đã ngừng hoặc giảm lượng xả.
Ông Vũ Văn Tú, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương lưu ý các địa phương miền núi phía Bắc tiếp tục tìm kiếm người mất tích trong mưa lũ, khắc phục hậu quả sớm ổn định cuộc sống người dân vùng thiên tai. Riêng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đề phòng mưa do hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây ra. Cần theo dõi thường xuyên diễn biến của áp thấp nhiệt đới để kịp thời ứng phó tình huống xấu xảy ra, đặc biệt là khu vực miền núi các tỉnh Bắc Trung bộ và miền Trung.
Theo đánh giá chung, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Bắc và ứng phó áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã và đang được các địa phương thực hiện nghiêm túc theo tinh thần Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương về khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ quét sạt lở đất ở miền núi phía Bắc, ứng phó áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.
Về tình hình trên biển, đến 6 giờ sáng 7/9, lực lượng biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 30.191 phương tiện, với khoảng 150.000 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển phòng tránh.
Phú Thọ khắc phục sạt lở đất
Sáng 7/9, các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất gây ra.
Tại tỉnh Phú Thọ, mưa lớn những ngày qua đã làm sạt 1200 m bờ sông đê hữu thao đoạn qua thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông và 1200 m đê hữu Lô thuộc xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh. Độ rộng sạt lở lên đến 500 m đã tiến sát khu công trình phụ của chục hộ dân gần đó. Hiện tốc độ sạt lở đã chậm lại.
Theo ông Nguyễn Hùng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ: trước tình hình sạt lở đê diễn biến phức tạp, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, theo dõi liên tục mức độ sạt lở. Nếu đoạn đê vẫn tiếp tục sạt lở sâu hơn, phải di dời ngay người và tài sản ở khu vực ảnh hưởng.
Ngay từ khi có hiện tượng sạt lở, tỉnh đã chỉ đạo địa phương cảnh báo cho người dân, thông báo bằng loa phát thanh yêu cầu người và gia súc không được ra khu vực nguy hiểm. Địa phương đã căng dây, cắm biển cảnh báo, cắt cử người kiểm tra, quán triệt theo yêu cầu chỉ đạo của tỉnh.
Ông Nguyễn Hùng Sơn cho biết: “Tỉnh Phú Thọ sạt lở rất dài và rất lớn nên tỉnh sẽ báo cáo với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng với nguồn lực của tỉnh sẽ huy động, hỗ trợ để nếu tình hình sạt lở tiếp tục xảy ra thì khắc phục bằng công trình kè mới đảm bảo được lâu dài, chống sạt lở ở khu vực này”.
Lào Cai, Thái Nguyên nhanh chóng giải tỏa ùn tắc vì mưa lũ
Mưa lớn những ngày qua cũng đã làm nhiều tuyến đường giao thông bị ảnh hưởng nặng nề như tỉnh lộ 155 qua xã Bản Khoang, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai bị sạt lở 20.000 m3. Một số tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập nước, sạt lở gây ách tắc tạm thời thuộc các huyện Tuần Giáo của Điện Biên, Võ Nhai, Phú Lương của Thái Nguyên, Mường Tè, Nậm Nhùn của Lai Châu, Bắc Yên của Sơn La. Các địa phương đã và đang tập trung triển khai khắc phục để sớm thông đường, đảm bảo an toàn giao thông.
Tại Lào Cai, 16h chiều 6/9 đã thông xe tạm thời. Còn tại tỉnh Thái Nguyên, một số đoạn trên các tuyến Quốc lộ 3, Quốc lộ 1B và Quốc lộ 37 bị ngập sâu đến gần 2 mét hiện nước đã rút, giao thông sau khi bị ách tắc đã thông suốt trở lại. Ông Đỗ Vũ Bình, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên cho biết, hiện chỉ còn 1 số tuyến đường liên xóm liên xã vẫn bị ngập cục bộ, trong ngày 7/9, trời đã hửng nắng nên khả năng nước sẽ rút hết.
Cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đã tiếp cận, hoạt động hết công suất, giải tỏa đi các vị trí ngập úng để phân luồng, điều tiết giao thông. Với những phương tiện không đảm bảo thì cho địa phương yêu cầu dừng xe để lúc nào nước xuống mới cho qua nhằm phân luồng giao thông để các phương tiện đi cho thuận lợi./.