Các tỉnh miền Trung kêu gọi tàu thuyền tránh bão số 10
VOV.VN - Hàng chục ngàn tàu thuyền với gần 200.000 lao động đã được hướng dẫn để chủ động trú tránh.
Chủ động phòng tránh bão số 10, các địa phương ven biển miền Trung khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động thoát khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi trú tránh an toàn.
Tính đến chiều nay (28/9), Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã thông báo và hướng dẫn cho gần 44.500 tàu thuyền với trên 182.000 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động trú tránh.
Trong số 16 tàu với trên 120 lao động của tỉnh Quảng Ngãi ở khu vực vùng biển Hoàng Sa, hiện 11 tàu đã tìm nơi tránh trú an toàn số còn lại đang di chuyển lên phía bắc để thoát khỏi vùng nguy hiểm.
(ảnh internet) |
Tại tỉnh Phú Yên, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã liên lạc chủ 113 phương tiện với 980 lao động đang ở trên biển. Tất cả tàu thuyền này đã nhận được thông tin về diễn biến bão số 10, tiếp tục giữ liên lạc thường xuyên với Đài trực canh của Bộ đội biên phòng tỉnh, gia đình và khẩn trương di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão số 10. Hiện nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đã huy động 170 cán bộ, chiến sỹ cùng phương tiện cơ giới, sẵn sàng cơ động xử lý khi có tình huống xảy ra.
Trung tá Nguyễn Danh Dự, trực ban Tác chiến Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết: “Tất cả các phương tiện vẫn giữ liên lạc với BĐBP. Riêng lực luwongj BĐBP đã trienr khai đến 6 đơn vị trực thuộc, triển khai 5 ca nô, 5 tàu thuyền và 170 người, riêng Đại đội huấn luyện cơ động 50 người... sẵn sàng cơ động ứng cứu trong mọi tình huống xảy ra.”
Chiều nay, UBND tỉnh Quảng Trị đã họp triển khai phương án đối phó với bão số 10. Ông Nguyễn Văn Bài, Phó Ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết: Hiện nay tất cả tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh đã về nơi neo đậu an toàn. Ngoài triển khai công tác đối phó bão số 10, tỉnh Quảng Trị chú trọng những vùng dễ xảy ra ngập sâu, vùng lũ quét và sạt lở đất... đặc biệt là các huyện ven biển và miền núi như Hướng Hóa, Đăkrông.
“Đặt ra 2 phương án di dời, thứ nhất là trước 17h ngày 29/9 nếu bão vào sớm; phương án thứ 2 là trước 6h ngày 30/9 nếu bão vào chậm,” ông Bài nói./.