Các tỉnh miền Trung khẩn cấp ứng phó với bão số 10
VOV.VN - Các địa phương sẵn sàng lực lượng và phương tiện ứng phó với bão số 10 đổ bộ vào bờ.
Theo dự kiến, chiều nay, bão số 10 sẽ đổ bộ vào đất liền với cường độ cấp 12, vùng tâm bão đi qua gió cấp 9 cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng là vùng tâm bão.
Đại tá Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết: Hiện nay, toàn bộ 61.200 phương tiện với hơn 300.000 người đã biết diễn biến của bão số 10 và chủ động di chuyển tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm, một số đã về bờ trú tránh, một số đi xuống phía Nam. Lực lượng biên phòng các địa phương được huy động sẵn sàng ứng phó bão.
Đại tá Nguyễn Anh Dũng nêu rõ: “Chúng tôi chỉ đạo các Đồn biên phòng tuyến biển đang tập trung rà soát lại điều kiện ở những nơi sơ tán cho dân như: trường học, trạm xá để khi cần thiết có thể di dời kịp thời. Bên cạnh đó cũng điều động cán bộ chiến sĩ xuống các nơi neo đậu tàu thuyền phối hợp với chính quyền địa phương và Ban quản lý khu neo đậu tàu thuyền để hướng dẫn chằng néo không để tàu thuyền thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm Công điện 1554 của Thủ tướng Chính phủ, các Công điện của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Các địa phương ở khu vực Nam và Bắc Vịnh Bắc bộ không chủ quan lơ là, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động ven bờ, đề phòng gió mạnh khi bão đổ bộ vào, đề nghị các tỉnh ngừng mọi hoạt động ven bờ trước 10 giờ sáng nay.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nêu rõ: “Trong những trận bão vừa qua thì thiệt hại trực tiếp do bão thì chúng ta kiểm soát tốt nhưng những tai nạn không đáng có thì lại rất nhiều vì vậy đối với cơn bão số 10 chúng ta phải cố gắng để kiểm soát tốt vấn đề này. Đề nghị các đồng chí bên Công an, Giao thông tăng cường kiểm soát các ngầm, bãi ngang, các tuyến giao thông dễ bị chia cắt. Ngoài ra cần đặc biệt quan tâm vấn đề hồ chứa vì hiện nay các hồ đã đầy nước, ngoài những hồ lớn do Trung ương quản lý còn phải quan tâm đến các hồ nhỏ để có phương án ứng phó kịp thời khi tình huống xấu xảy ra”.
Nghệ An: Khẩn trương ứng phó với bão số 10
Sáng 30/9, ông Trần Hồng Châu - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 10 tại các địa phương huyện ven biển gồm huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Cửa Lò.
Tại thị xã Cửa Lò, đến trưa nay, gần 300 tàu cá đã về nơi neo đậu an toàn, tại huyện Diễn Châu, 1.400 trong tổng số 1.440 tàu đã về nơi neo đậu, số tàu còn lại vào Thanh Hóa và Cửa Lò để trú ẩn. Bên cạnh đó, huyện cũng thành lập phương án di dân ở khu vực ngoài đê… Các hồ đập trên địa bàn cũng đã cử người trực suốt ngày đêm để kịp thời đưa ra phương án xử lý nếu xảy ra sự cố.
Sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế tại hiện trường, ông Trần Hồng Châu yêu cầu các ngành, địa phương và đơn vị quản lý cần tập trung mọi nhân lực, vật lực để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân. Đồng thời, đề nghị các địa phương thực hiện tốt phương án 4 tại chỗ trong công tác phòng chống bão lụt; kiểm đếm tàu thuyền tại bờ; Đối với phương án di dời dân, cần rà soát, kiểm tra lại các phương án để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân khi có sự cố xảy ra.
Đến thời điểm này, có gần 4.000 tàu thuyền của Nghệ An đã về nơi trú ẩn an toàn. Tỉnh triển khai phương án di dân đến nơi an toàn đề phòng nước biển dâng cao và ở những vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại các địa phương, ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các địa phương cần thực hiện tốt phương án 4 tại chỗ trong công tác phòng chống bão lụt, Kiểm đếm tàu thuyền tại bờ, liên lạc để kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Đối với phương án di dời dân, cần rà soát, kiểm tra lại các phương án để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân khi có sự cố xảy ra.
Ông Đinh Viết Hồng cho biết: “Về phương án di dân của các xã ven biển, chúng tôi rà soát một cách nghiêm túc và giao nhiệm vụ cho các cơ sở tiếp tục chủ động di dân dân theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương là di dời dân trước…”.
Hà Tĩnh: Đã di dời hơn 22.000 người đến nơi an toàn
Để đối phó với Bão số 10, tối 29/9 và sáng 30/9, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương di dời dân từ những vùng nguy hiểm về nơi an toàn.
Đến 9h sáng nay, các huyện ven biển là Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Kỳ Anh đã di dời hơn 6.700 hộ dân với trên 22.000 người đến nơi trú ẩn an toàn. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cũng tổ chức các đoàn công tác về địa phương kiểm tra việc chuẩn bị đối phó với bão số 10 ở các hồ chứa, công trình xung yếu; triển khai phương án phòng chống ngập úng cục bộ tại các địa bàn thấp trũng.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chuẩn bị 149 nghìn bao tải cùng với bạt chống sóng, rọ thép, vải lọc để chi viện cho các địa phương khi cần thiết. Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội biên phòng tỉnh huy động 1400 cán bộ chiến sỹ và hàng chục phương tiện cứu hộ, cứu nạn về các địa bàn xung yếu, giúp dân di dời, ứng cứu các tuyến đê sông, đê biển.
Thừa Thiên-Huế: Nguy cơ mở cửa biển mới
Tại khu vực bờ biển Thừa Thiên-Huế, bão số 10 khiến nhiều cây cối gãy đỗ. Hiện nay nước lũ trên sông Hương và sông Bồ dâng cao.
Nước sông Hương đang lên cao |
Tại khu vực bờ biển xóm Gềnh, Thôn Thái Dương Hạ Nam, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, sóng biển dâng cao tiếp tục gây sạt lở, khả năng mở ra một cửa biển mới.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: “Thừa Thiên-Huế có dọc bờ biển có nguy cơ sạt lở và hiện nay đã sạt lở. Tại các địa điểm sạt lở cao nhất, ngay xóm Gềnh, có 56 hộ đang sinh sống và nếu như ở đây không chịu đựng được thì nó sẽ phá và mở ra cửa biển mới. Chúng tôi quyết di dời hết các hộ này và hiện nay đang bảo vệ khu vực này để không cho người đi lại”.
Thành lập Sở Chỉ huy tiềm phương tại Quảng Trị đối phó bão số 10
Trước diễn biến phức tạp của bão số 10, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị do Thiếu tướng Trần Chí Dũng, Phó Chính uỷ Quân khu 4 làm tổng chỉ huy.
Quân khu 4 đã huy động 1.300 cán bộ, chiến sỹ phối hợp với các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế giúp dân đối phó bão số 10 và sẵn sàng ứng phó với mưa bão.
Đại tá Nguyễn Đức Hoá, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4, Phó Chỉ trưởng Sở Chỉ huy tiền phương tại Quảng Trị cho biết: “Lực lượng chúng tôi có ở đây rồi, khi địa phương có yêu cầu và tình hình phức tạp thì chúng tôi huy động lực lượng tại chỗ ở đây. Ngoài lực lượng tại chỗ, nếu tình hình phức tạp, địa phương có yêu cầu thì chúng tôi làm cầu nối báo cáo trực tiếp Tư lệnh Quân khu xin phương tiện, lực lượng khác để hỗ trợ cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Nếu có yêu cầu lớn hơn thì chúng tôi thông qua Quân khu yêu cầu Bộ cùng tham gia phòng chống khắc phục hậu quả bão số 10”.
Ngành Y tế Hà Tĩnh, Nghệ An sẵn sàng ứng cứu khi bão vào
Trước thông tin khả năng chiều nay bão số 10 đổ bộ vào đất liền, ngành Y tế các tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã sẵn sàng phương án ứng phó.
Trong sáng nay, Sở Y tế Hà Tĩnh đã cấp 450 áo phao, 76 cơ số thuốc, 7 thùng Cloramin B cho cơ sở chuẩn bị sẵn sàng ứng phó cơn bão số 10. Ngành Y tế Hà Tĩnh thành lập 5 đoàn công tác đi kiểm tra tại 5 huyện ven biển; xây dựng kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, vùng có nguy cơ bị ngập lụt như Lộc Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên...; hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, nước uống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong những ngày mưa bão.
Bà Phạm Thị Ninh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Từ giờ đến chiều, Sở Y tế sẽ cử các đoàn tới tất cả các địa phương. Hiện nay, các đồng chí lãnh đạo, các đoàn công tác của Sở đang tập trung ở cơ sở để kiểm tra công tác chuẩn bị và điều kiện đảm bảo y tế. Các đoàn có liên lạc với nhau để có những chỉ đạo sát với tình hình và chỉ đạo của tỉnh”.
Đến thời điểm này, Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã huy động tất cả lực lượng y tế địa phương chủ động đối phó với cơn bão số 10; chuẩn bị khoảng 600 cơ số thuốc, hóa chất, vật tư phòng chống lụt bão…; các cơ sở y tế sẵn sàng phương án cấp cứu cho nạn nhân. Đặc biệt, các đội cấp cứu cơ động trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh.
Ông Bùi Đình Long - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết: “Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt của ngành đã cử 4 đoàn đi xuống kiểm tra các đơn vị. Có công văn giao cho đơn vị triển khai đầy đủ công điện của Bộ và tỉnh. Hiện nay, chúng tôi đang đi ra soát tất cả các khả năng thực tế tại các đơn vị y tế tuyến huyện, mọi đơn vị tuyến huyện là có 2 đội cấp cứu, tuyến tỉnh 5 đội sẵn sàng chi viện cho tuyến dưới”./.