Cảm phục người phụ nữ khiếm thị giàu nghị lực

(VOV) - Đỗ Thúy Hà là một trong 14 tấm gương phụ nữ Việt Nam “Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang” .

Dù đôi mắt không còn nhìn thấy nhưng Đỗ Thúy Hà vẫn xinh đẹp, đằm thắm và còn rất tài năng. Hiện là Chủ tịch hội người mù Quận Đống Đa, Hà Nội, mới 31 tuổi nhưng chị có những thành tích mà những người bình thường đáng phải ngưỡng mộ. Chị là một trong 14 tấm gương phụ nữ Việt Nam “Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang” được nhận bằng khen của TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Gập ghềnh con đường đến trường

Tiếp tôi trong căn phòng nhỏ của Hội người mù quận Đống Đa, chị Hà bồi hồi nhớ lại những ngày tháng gian khổ nhất trong cuộc đời chị. Đó là khi căn bệnh quái ác cướp đi đôi mắt sáng của chị, khiến chị không còn nhìn thấy. Con đường đến trường của chị vì thế trở nên khó khăn gấp bội.

Lúc nhỏ, mắt chị vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng đến năm lên 6 tuổi, bỗng nhiên mờ dần, như có một lớp sương mù trước mặt. Bác sỹ kết luận chị bị thoái hóa võng mạc và dự đoán chị sẽ mù hẳn trong vòng vài năm tới. Thương con, bố mẹ chị mang chị đi khắp các bệnh viện để chữa trị nhưng không có kết quả. Tình trạng mỗi ngày một trầm trọng hơn. Năm chị lên 9, bố mẹ chị quyết định cho chị học lớp chữ nổi dành cho người khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu.

Đến năm 15 tuổi, chị không còn nhìn thấy gì ngoài một màu đen tối đặc. Chị kể về những ngày đầu tiên chị đối diện với bóng tối, dù đã được chuẩn bị trước tâm lý nhưng vẫn hoang mang và lo sợ. Thế nhưng nỗi buồn, sự sợ hãi nhanh chóng qua đi khi chị nghĩ đến bố mẹ chị, những người đã sinh thành, nuôi nấng chị và luôn yêu thương chị hết mực. Chị biết bố mẹ còn buồn hơn chị gấp nhiều lần và chị quyết không trở thành gánh nặng cho gia đình.

Không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ, chị tiếp tục học ở trường Nguyễn Đình Chiểu và liên tục 12 năm liền là học sinh xuất sắc của trường.



Đỗ Thu Hà (thứ 3 từ  trái sang) giao lưu tấm gương phụ nữ Việt Nam "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vào tháng 3/2013.

Hà đặc biệt có niềm yêu thích với tiếng Anh. Để học được tiếng Anh, chị nhờ bạn bè người thân đánh vần để chép bài, rồi nghe băng học tiếng Anh. Nhờ sự kiên trì và nghị lực phi thường của mình, chị thông thạo tiếng Anh. Năm 2000, chị tham gia kỳ thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc và giành giải 3. Tại cuộc thi năm ấy, chị là thí sinh duy nhất bị khiếm thị, chị đọc bài và giám khảo đứng cạnh ghi âm bài thi của chị. Với bài thi xuất sắc và ý chí nghị lực phi thường, cô gái trẻ đã chinh phục ban giám khảo.

Năm 2001, với những thành tích đạt được, chị trở thành gương mặt “Nữ sinh Việt Nam” và được tiếp kiến nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Hơn 10 năm sau, tháng 3/2013, gặp lại chị Hà trong lễ trao giải Tấm gương phụ nữ Việt Nam “Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang”, bà Nguyễn Thị Bình vẫn xúc động cầm tay người phụ nữ trẻ: “Cô lại được gặp cháu lần nữa”.

Hà khiến tôi bất ngờ hơn khi chị không chỉ thông thạo tiếng Anh mà còn thông thạo cả tiếng Nhật. Chị kể, để học được 2 thứ tiếng này ngoài sự cố gắng của chị, người thân và bạn bè đã giúp đỡ chị rất nhiều. Đặc biệt là từ khi có chiếc máy tính và phần mềm hỗ trợ đọc màn hình, việc học của chị đã trở nên dễ dàng hơn. Đến nay, những chiếc máy tính hỗ trợ phần mềm cho người khiếm thị vẫn là trợ thủ đắc lực cho chị trong công việc hằng ngày.

Năm 2005, chị lần mò trên mạng và làm hồ sơ đăng ký thi một lớp du học của Nhật về kỹ năng lãnh đạo dành cho những người khuyết tật của châu Á Thái Bình Dương. Vượt qua gần 400 hồ sơ dự thi, chị lọt vào danh sách 30 người được dự vòng phỏng vấn. Tổ chức tài trợ học bổng này đã sang Việt Nam để phỏng vấn trực tiếp chị. Trí thông minh, sự nhạy bén và ý chị nghị lực của chị một lần nữa lại chinh phục giám khảo. Chị trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia lớp học này.

Chị nhớ lại những ngày du học Nhật Bản, một mình nơi đất khách quê người với bao khó khăn.  Chị phải tự nấu cơm, tự chăm sóc bản thân. Chị từ chối nhận sự hỗ trợ của tổ chức khi đề nghị đưa đón chị đến trường bằng ô tô. Mỗi ngày, một mình đi đến trường qua 2 chặng tàu điện ngầm. Lúc mới sang, có lần lạc đường, chị phải dùng vốn ngôn ngữ tiếng Nhật ít ỏi của mình để tự tìm đường về. Chị phải học tiếng Nhật bằng tiếng Anh, làm quen với sinh hoạt, đường sá, giao thông của Nhật. Chị chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là nỗi nhớ nhà lúc nào cũng thường trực trong tâm trí”. Thế nhưng, đó cũng chính là động lực để chị cố gắng học tập và hoàn thành tốt khóa học của mình. Chị hoàn thành bài thi tốt nghiệp loại xuất sắc và trở về trong niềm tự hào, mong mỏi của bố mẹ.

Vừa nói chuyện với tôi, chị vừa vui mừng thông báo, chị vừa nhận được email của một người quen nhận thấy chị có đủ điều kiện nên đã giới thiệu chị một khóa du học dành cho người khuyết tật bên Úc. Chị háo hức nộp hồ sơ và chia sẻ: “Thế là mình lại sắp có thêm một cơ hội để học tập”. Chị còn bảo, khi nào sắp xếp được thời gian, chị sẽ đi học cao học. Tôi thầm nghĩ, dường như sự ham học hỏi, nghị lực trong chị không bao giờ vơi cạn dẫu con đường chị đi biết bao gập ghềnh.

“Tàn nhưng không phế”

Từ đất nước Nhật Bản xa xôi trở về, chị Hà làm việc tại Hội người mù quận Đống Đa. Chị mong muốn mang sức lực nhỏ bé của mình để giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh như chị.

Chị Hà làm việc tại văn phòng Hội người mù quận Đống Đa

Trong vai trò Chủ tịch, bản thân là một người khiếm thị, chị hiểu hơn ai hết những khó khăn, thiệt thòi mà người khiếm thị gặp phải. Chị luôn cố gắng tổ chức sinh hoạt, dạy chữ, dạy nghề, giao lưu văn nghệ cho gần 200 thành viên trong Hội. Niềm vui đối với chị là được giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh, để họ có được những điều kiện sinh hoạt, học tập, vui chơi, làm việc như người bình thường. CHị mong muốn những người khiếm thị như chị không trở thành gánh nặng cho xã hội, ngược lại còn có thể cống hiến.

Ngoài công việc ở cơ quan, vào các buổi tối và ngày thứ 7, chủ nhật, chị còn dạy từ thiện tiếng Việt cho người Nhật. Họ thuộc các tổ chức từ thiện dành cho người khuyết tật của Nhật. Chị tham gia biên tập lại sách, truyện chữ nổi của những người Nhật đã viết và tặng riêng cho trẻ em khiếm thị ở Việt Nam. Chị cũng được bạn bè, hàng xóm tin tưởng nhận làm gia sư tiếng Anh hoặc tiếng Nhật cho con cái của họ. Nhờ đó, chị cũng có thể kiếm thêm thu nhập.

Là người khiếm thị, chị Hà có tâm hồn rất nhạy cảm, chị có thể cảm nhận được những âm thanh rất khẽ của cuộc sống. Đó là âm thanh của chiếc lá rơi, cảm nhận được thời khắc chuyển mùa qua làn gió se lạnh hay cái nắng vàng bất chợt rơi trên phố. Chị yêu cuộc sống, yêu thơ, yêu ca nhạc và mê đọc, nghe sách.

Vẻ đẹp tâm hồn, nghị lực phi thường của chị đã khiến chàng trai Đỗ Ngọc Anh cảm phục. Hạnh phúc đã đến với chị khi chị nghe anh nói: “Hãy để anh là người chăm sóc em suốt cuộc đời này…”. Bất chấp những khiếm khuyết của chị, chàng trai bình thường như anh vẫn yêu thương và nguyện đi cùng chị tới cuối cuộc đời. Tháng 2/2011, chị đã kết hôn cùng anh. Mỗi ngày, anh đều đưa đón chị đi làm và cùng chị chia sẻ công việc nhà. Hạnh phúc của chị càng viên mãn hơn khi chị sinh đứa con đầu lòng.

Dù đôi mắt không còn nhìn thấy, nhưng chị Hà vẫn hoàn thành tốt vai trò của người vợ, người mẹ. Ở nhà, chị tự tay nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc các con. Thương chị, nhất là sau đứa con trai ra đời, vất vả lại lên gấp bội phần, chồng chị đã nhiều lần đề nghị thuê người giúp việc nhưng chị đều từ chối. Bởi với chị, được tận tay chăm sóc mái ấm của mình là niềm hạnh phúc mà người phụ nữ có được.

Gần 20 năm nay, không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời nhưng niềm tin, ý chí nghị lực trong tâm hồn người phụ nữ này chưa bao giờ vơi cạn. Chị Hà tâm niệm: “Tàn nhưng không phế, chỉ cần mình quyết tâm thì sẽ làm được tất cả mọi việc”.

Nhân ngày Quốc tế phụ nữ mùng 8/3, chị chia sẻ: “Những người phụ nữ ngoài trách nhiệm xã hội còn phải gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình, vì vậy vất vả hơn rất nhiều lần nam giới. Tôi mong xã hội sẽ quan tâm hơn đến người phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ ở trong hoàn cảnh khó khăn, để họ có cơ hội được sống và cống hiến cho xã hội”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên