Cần có chính sách quốc gia giảm thiểu tác hại của rượu bia

Chính sách này sẽ tập trung giảm nhu cầu sử dụng của người dân bằng cách đánh thuế cao đối với mặt hàng bia, rượu

Nước ta vẫn thiếu chính sách tổng thể về phòng chống tác hại của rượu bia; đó là nhận định của đại diện nhiều Bộ, ngành tại Hội thảo với  chủ đề: “Định huớng xây dựng chính sách Quốc gia giảm tác hại của việc lạm dụng bia, rượu”, do Bộ Y tế tổ chức sáng nay (22/9), tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, đại diện Viện Chiến lược chính sách y tế, Bộ Y tế cho biết: những năm qua, Chính phủ đã ban hành một số văn bản chỉ đạo xây dựng đề án phòng chống tác hại của việc lạm dụng bia rượu, hạn chế sử dụng hai loại đồ uống này. Tuy nhiên, hiệu quả phòng chống tác hại của bia rượu trong thực tế còn thấp. Trong khi đó, có nhiều khoảng trống trong chính sách hiện nay như: chưa có quy định phù hợp trong quảng cáo mặt hàng rượu, bia và chưa có hệ thống giám sát để cảnh báo về tác hại của loại đồ uống này… Do vậy, cần ban hành chính sách tổng thể về phòng chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, dự kiến tập trung giảm nhu cầu sử dụng của người dân bằng cách đánh thuế cao đối với mặt hàng bia, rượu. Ngoài ra, cần xác định tuổi tối thiểu của người được mua rượu, xây dựng các trạm kiểm tra nồng độ cồn của lái xe và xử phạt nặng những trường hợp vi phạm.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương đề nghị Bộ Y tế cần quy định cụ thể mức sử dụng như thế nào là lạm dụng rượu bia. Hiện nay hơn 70% rượu, bia trên thị trường là do người dân tự nấu, nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Nếu đánh thuế cao sẽ không khả thi và dẫn đến thực trạng: chỉ có rượu sản xuất theo dây chuyền công nghiệp của doanh nghiệp Nhà nước là phải chịu thuế cao.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, Hội thảo là bước khởi động để đến năm 2010, Bộ Y tế trình Chính phủ phê duyệt chính sách Quốc gia phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia. Tiến sỹ Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh: Chúng tôi xác định sẽ xây dựng chính sách phù hợp và thực sự đi vào cuộc sống, có tính khả thi. Trước đây chúng ta cũng có một số chính sách, những quy định nghị định của Chính phủ đưa ra nhưng việc thực thi còn hạn chế. Trên tinh thần này phải đưa ra được chính sách những quy định không trái với quy định của WTO”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên