Cần hạ tầng để xây dựng văn hóa giao thông

Xây dựng văn hóa giao thông chính là tạo nên thói quen tham gia giao thông với ý thức tôn trọng pháp luật  

Trả lời phỏng vấn của báo TNVN nhân kết thúc Tháng An toàn giao thông (ATGT), ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó  Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt đánh giá: “Đúng là ý thức của người tham gia giao thông vẫn còn rất hạn chế nhưng trách nhiệm không chỉ riêng thuộc về họ mà công tác phát triển hạ tầng cần phải làm sao cho tốt để mọi người đều dễ dàng chấp hành, khi đó, việc xử lý của CSGT mới thuận lợi, dễ đi vào nề nếp...” - Nhận định này đã phản ánh một vấn đề cốt lõi nhất trong việc hình thành ý thức tham gia giao thông một cách có văn hoá của cộng đồng. 

Văn hoá là một khái niệm vô cùng rộng lớn và... trừu tượng. Tuy nhiên, đối với VHGT, hay những hành vi khác như ăn, ở, giao tiếp... thì khái niệm văn hoá cần được hiểu một cách cụ thể và đơn giản là thể hiện sự tôn trọng đối với những chuẩn mực của đời sống xã hội (tôn trọng pháp luật, tôn trọng sự an toàn, thoải mái của người khác...).

Chính vì vậy, xây dựng VHGT chính là tạo nên thói quen tham gia giao thông với ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng những người cùng tham gia giao thông. Thói quen, đương nhiên không phải tự nhiên, bỗng chốc mà có được. Henri Bergson, một triết gia đương đại đã phân tích điều này trong cuốn sách “Chất liệu và trí nhớ”, trước tác nổi tiếng nhất của ông khi cho rằng “Thói quen được hình thành bởi hai yếu tố: Các cơ chế thúc đẩy và các kỷ niệm độc lập”. 

Trở lại với phát biểu mang tính tổng kết Tháng ATGT với chủ đề VHGT của ông Vũ Đỗ Anh Dũng là “cần phải phát triển hạ tầng làm sao cho đa số mọi người đều có thể chấp hành...” - Ông Phó Cục trưởng CSGT có thể đã hoặc chưa nghiên cứu triết lý của Henri Bergson, song kinh nghiệm thực tiễn của ông đã khẳng định điều mà tác giả của “Chất liệu và trí nhớ” đã dày công nghiên cứu.

Đối với ý thức VHGT thì hạ tầng chính là cơ chế thúc đẩy quan trọng nhất. Những hạ tầng giao thông vật thể bao gồm hệ thống đường sá, biển hiệu, vạch đường để người dân ghi nhớ, nhận biết mà tuân theo. Hạ tầng giao thông phi vật thể là hệ thống quy định pháp luật về giao thông. Nếu như hệ thống hạ tầng giao thông giúp con người di chuyển một cách tối ưu, nếu như các quy định pháp luật rõ ràng và dễ hiểu... chắc chắn sẽ khiến người tham gia giao thông ghi nhớ và hình thành thói quen tôn trọng.

Tuy nhiên, sự tôn trọng luôn đòi hỏi yếu tố hai chiều. Hành vi của con người luôn bị chi phối bởi lợi ích cá nhân. Nếu một viên chức vì tuân thủ việc tham gia giao thông một cách có văn hoá mà thường xuyên đến công sở muộn hơn đồng nghiệp của mình, do đó việc thăng tiến bị ảnh hưởng, dĩ nhiên đó là cơ chế thúc đẩy anh ta phải thay đổi và cách đơn giản nhất là bỏ qua các yếu tố văn hoá, đặc biệt là khi anh ta ít có khả năng đối diện với việc trả giá cho các hành vi phản văn hoá.  

Trên thực tế, những vi phạm phổ biến về Luật Giao thông hiện nay là lỗi đi sai, đi lấn làn đường, tránh, vượt không đúng quy định và vượt quá tốc độ. Thống kê trên hai tuyến Quốc lộ 1 và 5 trong một tháng qua cho thấy: Lỗi vi phạm đi sai phần đường, làn đường chiếm 21,7%; lỗi vi phạm vượt quá tốc độ quy định chiếm 20,9%; lỗi tránh, vượt không đúng quy định chiếm 11,8%. Đây đều là những lỗi mà người vi phạm đều cho rằng khó bị cảnh sát giao thông phát hiện, phải có lực lượng tuần tra, hoặc camera giám sát.

Trở lại với yếu tố hạ tầng. Nếu như trên các tuyến quốc lộ được trang bị hệ thống giám sát tốt hơn, nếu như người tham gia giao thông không thể “làm luật”, hoặc dựa vào các mối quan hệ cá nhân để “xin được thông cảm”... chắc chắn câu chuyện đã khác. Một lần bị thu bằng lái, bị đình chỉ lưu hành phương tiện chắc chắn sẽ là một “kỷ niệm độc lập để hình thành thói quen” như Henri Bergson đã nghiên cứu. Xây dựng VHGT, đã đến lúc không thể chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền mà cần được tiến hành từ nền móng, đó là cần có một hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh cả ở khía cạnh vật thể và phi vật thể./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên