Cảnh báo dịch đau mắt đỏ
Thời điểm tháng 3, tháng 4 hàng năm, bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, chủ yếu do virus adeno lây truyền qua đường tay - mắt, đường hô hấp.
Những ngày gần đây, Bệnh viện Mắt Trung ương Hà Nội liên tục tiếp nhận mỗi ngày hàng trăm người đến khám vì đau mắt đỏ, chủ yếu là trẻ em. Tính đến ngày 29/4, đã có 5.991 người bị đau mắt đỏ, trong đó trẻ em dưới 15 tuổi chiếm hơn 1/3. Theo Bác sỹ Phạm Ngọc Đông, Phó Trưởng khoa Kết giác mạc, Viện Mắt Trung ương, thời điểm tháng 3, tháng 4 hàng năm, bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, chủ yếu do virus adeno lây truyền qua đường tay - mắt, đường hô hấp.
Virus adeno còn có thể phát tán và gây bệnh trong môi trường phòng hẹp, kém thông thoáng, đông người. Ngoài ra, do thời tiết nắng nóng, không khí nhiều bụi bẩn, nhiều hoạt động vui chơi đông người tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát tán. Tuy nhiên, bệnh đau mắt đỏ thường khỏi sau 7-10 ngày, cách điều trị chủ yếu là nhỏ kháng sinh phổ rộng và nước muối sinh lý, không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, người đau mắt đỏ khi đã khỏi bệnh, vẫn có nguy cơ lây bệnh trong vòng một tuần. Do vậy, người bệnh cần có ý thức phòng bệnh cho người xung quanh bằng cách nghỉ ở nhà, tránh đến nơi đông người và rửa tay bằng xà phòng.
Bác sỹ Phạm Ngọc Đông, Phó Trưởng khoa Kết giác mạc, Viện Mắt Trung ương cho biết thêm: “Triệu chứng của bệnh là khi bệnh nhân soi gương thấy sưng và có nhử mắt kèm theo. Bệnh này tuy dễ chữa nhưng nếu chữa không đúng cánh sẽ gây biến chứng nặng nề”./.