Chất trong áo ngực Trung Quốc có thể gây ung thư
(VOV) -Kết quả ban đầu xác định trong áo ngực có hai chất thuộc nhóm Polycyclic aromantic hydrocarbon, có khả năng gây ung thư.
Sau một thời gian lấy mẫu phân tích áo ngực Trung Quốc nhãn hiệu Mengneroi, Qiuaziwanli, Magneric…, Viện hóa học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phát hiện và xác định 2 loại chất trong áo ngực có thể gây ung thư.
Tiến sĩ Vũ Đức Lợi, Trưởng phòng Hóa Phân tích, Viện Hóa học cho biết: Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành phân tích mẫu áo ngực xuất xứ từ Trung Quốc. Kết quả ban đầu cho thấy, trong áo ngực có dung dịch màu trong suốt, 3 viên chất rắn màu trắng, mỗi viên có đường kính 0.75 mm và lượng dung dịch khoáng khoảng 7 ml.
Túi chất lỏng và những “hạt bi” trong áo ngực phụ nữ |
Thành phần chất rắn được phân tích và xác định là một loại nhựa tổng hợp polystyren, trên thị trường gọi là nhựa PS, trong quảng cáo hay được gọi là ngọc trai tổng hợp. Còn dung dịch trong suốt không màu được xác định là dầu khoáng.
Kết quả ban đầu xác định trong đó có hai chất thuộc nhóm Polycyclic aromantic hydrocarbon (PAH), là những hợp chất hữu cơ thơm đa phòng gồm Pyrence (C16H10) và Anthracene (C14H10). Hai chất này có khả năng gây ung thư.
Trả lời câu hỏi, với hàm lượng và các chất hóa học phát hiện ra thì có ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng không, Tiến sỹ Vũ Đức Lợi cho biết: Ảnh hưởng tới người tiêu dùng hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Liên quan sức khỏe của người tiêu dùng, cần có kết luận của Bộ Y tế. Hiện nay, Việt Nam chưa có một tiêu chuẩn nào về các thành phần như thế.
“Tôi nghĩ để đánh giá một cách toàn diện thì phải phối hợp với rất nhiều cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công thương, Bộ Y tế tham gia đánh giá các loại vải mà tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng như các loại hóa chất nhuộm, các loại phẩm màu, các loại đệm mút (kể cả dung dịch khoáng). Hiện nay, dung dịch dầu khoáng đang nằm ở trong túi. Do vậy độ bền của túi như thế nào, khi nó vỡ ra thì ảnh hưởng người tiêu dùng như thế nào… cũng cần có những kết quả nghiên cứu khác thì mới có kết quả xác đáng được” – ông Lợi nói./.