Cháu tắt thở trong chậu tắm vì ông nghe điện thoại
Để cháu ngồi trong chậu quay vào nghe điện thoại. Khoảng 2 phút sau quay ra, ông T thấy cháu đã úp mặt xuống nước, tắt thở.
Trường hợp khác, theo tường trình của ông Bùi Văn Đoàn, hiệu trưởng một trường mầm non tư thục của thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, Bình Dương thì sau khi trẻ ăn xong cho các cháu đi vệ sinh. Vài phút sau, cô vào kiểm tra thì thấy vòi nước đang chảy và phát hiện một cháu bé gục mặt vào ca nhựa múc nước. Trường đã đưa cháu đi cấp cứu nhưng khi đến viện cháu bé đã chết.
Như vậy để thấy rằng đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ, đầm lầy mà còn có thể xảy ra ở ngay tại nhà, nơi làm việc, nhà trẻ...
Ảnh minh họa |
Một em bé đã bị chết đuối sau khi có sơ suất trong việc trông coi tại một buổi tiệc barbeque trước Giáng sinh tại Texa (Mỹ). Bé gái này đã trượt chân ngã xuống một bể bơi di động trên mặt đất vừa được dựng lên để chống nóng. Cả cha lẫn mẹ của bé đều tưởng rằng người kia đang trông con. Do không ai để ý, bé đã leo lên bậc thang bể bơi và ngã lộn xuống. Lúc mọi người biết được chuyện thì đã quá muộn.
Rõ ràng, nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước là do sự lơ là, chủ quan của bố mẹ chưa giám sát trẻ chặt chẽ hay thiếu người trông nom, chăm sóc bé để trẻ tự do vui chơi gần những nơi có mối hiểm họa tiềm tàng tai nạn này.
Trẻ em dưới 5 tuổi có thể gặp tai nạn này ngay trong xô, chậu, chum, vại, bể chứa nước, ao hay giếng khơi trong gia đình. Trẻ lớn hơn có thể gặp tai nạn này ở ao, hồ, sông, suối,... Trong dịp nghỉ hè, trẻ em khu vực nông thôn thường phụ giúp gia đình như ra đồng, sông suối mò cua, bắt ốc, chăn trâu bò... cũng dễ có nguy cơ bị đuối nước.
Cha mẹ cần hiểu những hồ bơi bằng nhựa tại nhà cũng có nguy cơ đuối nước cho trẻ nhỏ giống như những bể bơi thông thường. Hầu hết các trường hợp xảy ra với những trẻ dưới năm tuổi. Hầu hết các trường hợp đuối nước là do bọn trẻ tự trèo vào bể, dùng thang hay một vật khác gần đó, trong khi cha mẹ bận làm việc nhà...
Vì thế, sự giám sát phải liên tục và đối với những trẻ bé, thậm chí luôn giữ trẻ trong tầm tay. Cha mẹ cho trẻ mặc áo phao hay bảo đảm trẻ không tự vào bể khi vắng mặt cha mẹ, thậm chí cha mẹ cần rút hết nước trong bể, đặc biệt đối với các bể nhỏ. Ðiều quan trọng nhất là cha mẹ nhận thức một cách nghiêm túc về hiểm họa này, dù với các bể nhỏ và ít nước. Bởi đuối nước thường xảy ra rất nhanh, một khi tim đã ngừng đập thì rất khó hồi phục.
Dưới đây là một số lưu ý phòng tránh đuối nước cho trẻ
1. Đối với trẻ nhỏ:
- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu, chơi bài…
- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
- Nhà khá giả có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.
- Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).
- Không ăn quá no, không để trẻ quá đói khi xuống nước
- Không nên cho trẻ xuống nước lúc trời nắng gắt.
- Khi cho trẻ xuống bể bơi dù là trong nhà, hay các bể bơi tại các trung tâm, thì các bậc phụ huynh nên cẩn trọng khi cho con dùng phao; vì khi cho con dùng phao, cả các bậc phụ huynh lẫn trẻ nhỏ đều có một cảm giác an toàn giả tạo và rất dễ trở nên lơ đãng, bất cẩn.
2. Đối với trẻ lớn:
- Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.
- Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.
- Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.
- Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.
Khi gặp trẻ đuối nước vác dốc ngược trẻ trên vai để khai thông vùng họng và miệng, nhưng không nên làm quá 1 phút.
Đặt trẻ nằm ở chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ đã ngưng thở; thổi ngạt miệng qua miệng 2 cái chậm. Nếu sau đó trẻ vẫn chưa thở lại được hoặc còn tím tái và hôn mê thì xem như tim đã ngưng đập, cần ấn tim ngoài lồng ngực ngay. Ấn vào vùng nửa dưới xương ức theo cách như sau:
- Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 đốt ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay).
- Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ hơn 8 tuổi và người lớn) ấn vào phía trên mỏm ức 2 đốt ngón tay. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (đối với trẻ trên 8 tuổi).
Cần lưu ý là vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế, cho đến khi tự thở lại được hoặc chắc chắn đã chết. Việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn. Nếu lồng ngực còn di động tức là trẻ còn tự thở được, hãy đặt trẻ nằm ở tư thế an toàn, nghĩa là nằm nghiêng một bên để nếu nôn ói thì chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài và không trào ngược vào phổi, gây viêm phổi.
- Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho nạn nhân.
- Trường hợp nạn nhân đã ngừng thở, ngừng tim thì nhanh chóng dốc ngược đầu nạn nhân cho nước trong đường thở thoát ra hết; sau đó đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, ngửa cổ nạn nhân ra sau, móc hết đàm nhớt, dị vật trong miệng nạn nhân ra, một tay đặt lên trán nạn nhân, bịt mũi nạn nhân bằng ngón trỏ và ngón cái, sau đó hít sâu, áp miệng người cấp cứu vào miệng nạn nhân thổi 2 hơi đầy; để lồng ngực tự xẹp và thổi tiếp lần thứ hai. Thực hiện cho đến khi nạn nhân thở được hoặc có xe cấp cứu đến.
Nếu nạn nhân bị ngưng tim nên tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực song song với hô hấp nhân tạo.
(Trích tài liệu tuyên truyền về phòng tránh đuối nước).