“Chị Shu đã cho em một ước mơ...”
VOV.VN - Với mục tiêu “trao cho các em một cơ hội nếu các em có ước mơ”, nhiều học trò của Shu giờ đã có nghề nghiệp ổn định
Sa Pa chiều mưa trắng núi. Một tốp học trò ôm cặp sách, líu ríu đội mưa trở về ngôi nhà có tấm biển đề “Sa Pa O’Chau” ở thị trấn Sa Pa, Lào Cai. Mặt chúng tái đi vì lạnh, nhưng nụ cười thì tươi rói. Sa Pa O’Chau là trụ sở của doanh nghiệp xã hội do cô gái Mông Tẩn Thị Shu làm giám đốc, cũng là mái ấm của 35 học trò nghèo.
Tẩn Thị Shu (phải) cùng bạn đón tuyết ở Sa Pa (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Em Giàng Thị Vân có đôi mắt sáng, kể: “Em đi bán hàng ở chợ, tình cờ gặp chị Shu. Chị Shu hỏi có muốn đi học không? Em thích quá, thế là lên đây học được 2 năm rồi. Sa Pa O’Chau cho em một mái nhà, một người chị tuyệt vời”. Em Sùng A Tủa học lớp 12 nói: “Chị Shu là người đặc biệt vì đã đem đến cho những đứa trẻ nghèo như em một ước mơ và một tương lai”. Còn Mai Ka, người Hà Lan, khách của Sa Pa O’Chau đang dạy tiếng Anh miễn phí cho các em ở đây rất mực khâm phục Shu bởi “tấm lòng thương yêu với trẻ em nghèo”.
Không phải bây giờ Shu mới cưu mang các em. Khi chưa thành lập công ty, mới chỉ có ngôi nhà Homestay ở Lao Chải, Shu đã thường xuyên hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn, “trao cho các em một cơ hội nếu các em có ước mơ” như cách nói của Shu. Nhiều em giờ đã có nghề nghiệp ổn định.
Shu kể: “Khi thành lập công ty mình cũng rất vất vả. Thấy các em đi bán hàng rong, không có điều kiện học, Shu đón về đây, giúp các em đi học tiếp, cho các em ăn, ở miễn phí. Hiện tại, công ty có 35 em”. Shu còn liên kết với một số trung tâm đào tạo, dạy nghề cho các em, sau đó, nhận về làm tại công ty. Kinh nghiệm tích luỹ được từ 9 năm làm hướng dẫn viên du lịch, Shu truyền lại cho nhân viên của mình.
Tôi hỏi: “Các bạn ấy giỏi nghề, tìm đến công ty lớn, khách sạn lớn làm, Shu có buồn không?” Shu cười, đôi mắt tít lại: “Các bạn làm tại khách sạn lớn, có thu nhập cao hơn, ổn định hơn thì đấy là niềm vui lớn của Shu. Điều Shu mong muốn là ai cũng có việc làm tốt để họ có cuộc sống đàng hoàng trên chính mảnh đất của mình”.
Dáng người đậm, gương mặt bầu bĩnh, trông Shu trẻ hơn nhiều so với tuổi 26. Shu có cái chất phác, hồn hậu như nhiều phụ nữ Mông ở Sa Pa, khác chăng ở tác phong làm việc chuyên nghiệp, và sở thích lên mạng internet cả ngày không chán. Shu tìm tòi, mở rộng mối quan hệ, kết nối với nhiều tình nguyện viên quốc tế, các tổ chức phi chính phủ chung tay cùng Sa Pa O’Chau giúp trẻ em nghèo dân tộc thiểu số thay đổi cuộc sống.
Shu nói rằng, từ bé, Shu đã là đứa con gái không cam chịu. Là con thứ 2 trong một gia đình nghèo, đông con ở Lao Chải, hết lớp 3, Shu đã phải nghỉ học, theo mẹ đi bán hàng rong kiếm sống. Để bán được nhiều hàng, Shu chú tâm học nói tiếng Anh, cứ nghe rồi bắt chước, nhớ kỹ trong đầu, chỗ nào không hiểu thì nhờ chính khách du lịch dạy cho. Chỉ vài tháng bán hàng rong, Shu đã có thể nghe, nói tiếng Anh thành thạo. Có vốn tiếng Anh khá, Shu được nhận vào làm hướng dẫn viên du lịch tại 1 khách sạn, bắt đầu một hành trình quyết liệt thực hiện giấc mơ của mình.
Hồi ấy, mỗi tháng Shu kiếm được từ 1 triệu rưỡi đến 3 triệu đồng, khoản tiền lớn so với làm nương. Thế nhưng từ lâu, Shu đã mơ ước có được 1 công ty của riêng mình. Công ty Sa Pa O’Chau do Shu sáng lập, đi vào hoạt động tháng 6/2013, nhưng ý tưởng thành lập doanh nghiệp xã hội như thế này thì đã có trong đầu Shu từ năm 2007.
Shu tâm sự những điều gan ruột: “Thực ra, khi thành lập công ty, mục đích của Shu không phải để thu lợi. Shu muốn tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho các bạn người dân tộc có hoàn cảnh eo le được tiếp tục đi học, tìm cơ hội thay đổi phận nghèo. Shu thành lập công ty là để các bạn trẻ người Mông thấy việc gì mình cũng có thể làm được, chứ không phải mình sinh ra ở ruộng nương thì chỉ làm được ruộng nương thôi. Mong muốn của Shu là Sa Pa O’Chau rồi đây sẽ là ngôi nhà chung cho các bạn nghèo không chỉ ở Sa Pa mà cả vùng Tây Bắc nữa”.
Câu chuyện giữa tôi và Shu luôn bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại từ nước ngoài. Nói tiếng Anh làu làu, nhưng Shu rất từ tốn, điềm tĩnh. Khách hàng của Shu ở Mỹ, Úc, Anh... rất thích dịch vụ khám phá làng bản, văn hóa bản địa của Sa Pa O’Chau. Lấy chữ “tín” làm đầu, cộng với sự chuyên nghiệp, Sa Pa O’Chau hiện là nơi tìm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. 35 bạn trẻ là người dân tộc thiểu số quanh vùng đang làm ở đây có thu nhập từ 1,5 triệu đến 10 triệu đồng/tháng tùy theo công việc và thời điểm.
Tẩn Thị Shu (thứ 2, hàng thứ 2 từ trái sang) và các em nhỏ dân tộc Mông trong mái ấm Sa Pa O'Chau (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Nhớ lại quá trình để cho ra đời Công ty Sa Pa O’Chau, Tẩn Thị Shu bảo “mình vấp phải nhiều hòn đá tảng”. Tiền thì “mèo nhỏ bắt chuột con”, khi đó, Shu chỉ có 250 triệu đồng tích lũy từ những năm tháng làm hướng dẫn viên du lịch để khởi đầu doanh nghiệp. Đam mê có thừa mà kiến thức thì đụng đến đâu bí đến đó, cái gì cũng thiếu hụt. Shu thấy khó nhất là “kỹ năng quản lý nhân sự và điều hành Sa Pa O’Chau sao cho trơn tru, hài hòa”.
Giờ thì “những hòn đá tảng ấy” đã phải lăn sang một bên bởi sự quyết liệt của người con gái Mông không bao giờ chịu đầu hàng trước thử thách. Khai thác được 1 số dự án, Shu khăn gói đi học quản lý nhân sự, tài chính, du lịch và tranh thủ thời gian đọc sách về cách thức điều hành công ty. “Hòn đá tảng” mà Shu đang phải dốc sức vần đi bây giờ không phải là chuyện điều hành Công ty Sa Pa O’Chau nữa, mà là làm sao truyền cảm hứng cho nhân viên và các em nhỏ mà Shu đang giúp đỡ. Shu nhỏ nhẹ: “Làm kinh doanh, nhưng mục đích cuối cùng của Shu là để giúp đỡ các em, không chỉ là vật chất mà giúp cả về cả tinh thần, để các em tự tin rằng, chúng ta nghèo, ở vùng sâu vùng xa nhưng chúng ta có thể sống tốt, có thể làm được tất cả nếu có ước mơ và quyết tâm thực hiện cho bằng được”.
Nghe Shu nói thế, tôi lòng dặn lòng, nhất định một ngày gần đây, tôi sẽ cùng con mình đến nơi này, Sa Pa O’Chau, để được truyền cảm hứng mà nuôi những giấc mơ..../.