Chồng bắt vợ nuôi nhân tình và con riêng
Trong tâm trạng bức xúc, bà Tăng Thị Đường (42 tuổi, trú thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai) gửi thư cầu cứu đến cơ quan báo chí với lời lẽ hết sức thống thiết.
Bà Đường kể: Bà là công nhân Công ty Cà phê tỉnh Gia Lai, có chồng là ông P.H.L., năm nay 44 tuổi. Hai người tự nguyện đến với nhau và có giấy đăng ký kết hôn vào năm 1989 tại xã Yên Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An). Hiện hai người đã có với nhau 4 con gái (đứa lớn nhất sinh năm 1991, nhỏ nhất sinh năm 2008).
Theo bà Đường, có lẽ vì bà sinh con một bề nên chồng ít quan tâm đến gia đình. Năm 2005, hai vợ chồng có bán vườn cà phê được 110 triệu đồng, chồng bà đi mua một máy kéo hết 80 triệu đồng.
Năm 2008, con gái lớn học đại học trong khi chồng bà mang máy kéo đi làm ăn, thỉnh thoảng mới về nhà nhưng không mang tiền về khiến gia cảnh càng thêm khốn khó. Đem chuyện này ra phàn nàn bà Đường bị chồng mắng chửi và đánh đập.
Đến tháng 7/2008, bà phát hiện chồng đi lại với một người đàn bà tên Lan. Họ thuê nhà và ở với nhau như vợ chồng (trong khi chị Lan cũng đã có chồng và 2 con). Khi bà Đường phát hiện chồng có “nhân ngãi” thì Lan cũng đã có bầu với chồng ông L.
Biết chuyện, gia đình nhà chồng bà Đường khuyên răn nhưng ông L không nghe mà họ lại dắt nhau lên TP Pleiku sinh sống. Chị Lan đã sinh con với chồng Đường. Từ đó, anh ấy không mấy khi về nhà, bỏ mặc các con cho tôi nuôi nấng.
Đến tháng 8/2011, chồng bà Đường về nhà, dùng lời ngon tiếng ngọt khiến bà động lòng để đồng ý ông L về sống chung. Thời gian này, ông L có tham gia giúp bà Đường làm vườn nhưng với điều kiện bà phải trả 1 triệu đồng/tháng để nuôi con riêng.
Đến đầu năm 2012, ông L thông báo với bà Đường là chị Lan đã có bầu đứa thứ hai là con trai. Ông Đường đề nghị đưa chị Lan về nhà sinh nở. Bà Đường không chấp nhận thì bị ông L kiếm cớ mắng chửi, đánh đập. Khi bà Đường làm đơn ly hôn, ông L không ký và văng lời đe dọa.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phùng- trưởng thôn An Điền xác nhận có chuyện chồng bà Đường có vợ bé. “Ông L nhiều lần đánh đập bà Đường, tôi đã hai lần sang can ngăn, trong đó có lần ông L. chỉ vào mặt tôi và quát với lời lẽ hết sức thô tục”, ông Phùng nói.
Luật sư Hoàng Gia Đoán- Văn phòng Luật sư Hoàng Gia Luật (17 Lê Thánh Tôn, TP Pleiku) cho biết, theo các quy định của Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì việc chồng bà Đường chung sống như vợ chồng với người khác và có con chung thì đã có dấu hiệu của tội vi phạm chế độ một vợ một chồng.
Bà có thể làm đơn yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật. Bà có quyền đơn phương làm đơn khởi kiện “về việc yêu cầu ly hôn” gửi Tòa án Nhân dân nơi chồng bà cư trú để yêu cầu Tòa án giải quyết cho bà được ly hôn với chồng bà theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Dân sự năm 2005; khi ly hôn tài sản và quyền nuôi con, cấp dưỡng nuôi con được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp chồng bà có hành vi hành hạ, ngược đãi, chửi bới bà và các thành viên khác trong gia đình thì bà có quyền đề nghị Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn xử phạt theo Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng - chống bạo lực gia đình.
Ông Đoán còn cho biết thêm rằng, trong chuyện này, nếu cô nhân tình của chồng bà Đường hiện vẫn còn hôn thú với chồng thì ông L. đã 2 lần vi phạm chế độ một vợ một chồng, cả cô nhân tình của ông ta cũng vậy…/.
Theo quy định của Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành: Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình, hiện chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó... Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này theo Điều 147 Bộ luật Hình sự khi thuộc một trong các trường hợp sau đây, a) Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ hoặc ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát...; b) Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. |