Chồng tật nguyền ngồi khâu nón mơ có tiền cho vợ đi viện
Từ dạo vợ chấp nhận về nhà chịu chết vì không có tiền phẫu thuật, anh Sơn đảm nhận luôn cả việc ngồi khâu nón thâu đêm để kiếm 50.000 đồng mỗi ngày.
Căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm tận cuối con mương sâu hút, khi tôi đến đã quá 12 giờ trưa nhưng cả nhà 5 người vẫn chưa ai ăn gì. Mâm cơm đạm bạc độc đĩa rau muống, chén nước mắm và chút muối vừng, người đàn ông gầy rộc, còng rạp cả lưng bảo: “Mẹ các cháu còn đang mệt nằm kia chưa ăn uống được gì nên cả nhà không ai ăn được, lát mẹ cháu dậy thì bố con anh mới ăn em ạ”.
Nghe vợ nói chuyện, người chồng vốn đã tật nguyền trông lại càng thê thảm bên cạnh 3 đứa nhỏ mắt cũng đỏ hoe đang ngậm ngùi ngồi khóc. Thương bố, thương mẹ, nhưng các em chỉ nghĩ được ra cách duy nhất là sẽ không đến trường nữa để khỏi phải đóng tiền, để dành tiền đó cho mẹ chữa bệnh. Nhưng nếu điều đó xảy ra thì với chị Hiệu còn đau hơn là việc phải chết: “Thà chết để con được đến trường còn hơn là các con thất học em ạ”- chị bảo.
Thoáng nhìn có lẽ khó ai tin anh chị lại nghèo đến thế bởi ở cái vùng quê cách trung tâm TP. Hà Nội chừng 40km, không đến nỗi nào mà không thể xoay sở, vay giật được vài triệu để lên viện. Song mỗi nhà mỗi cảnh, anh Sơn cúi đầu, tay quệt ngang dòng nước mắt thật thà kể: “Ngày xưa bố mẹ sinh anh ra nhưng nhà nghèo quá không nuôi được nên đã để anh cho người khác nuôi. Năm 20 tuổi khi anh đang đi gánh nước thì trượt chân bị ngã nhưng cũng do không có tiền nên không đến viện ngay, mãi sau này đau quá anh mới được đến viện thì bác sĩ bảo anh bị trật đốt sống lưng nhưng thoái hóa rồi nên không can thiệp nữa. Từ sau tai nạn đó là lưng anh cứ còng dần, còng dần và đau lắm… Anh cũng tưởng mình sẽ ở vậy luôn nhưng chị thương nên đồng ý về làm vợ anh, rồi anh chị lần lượt sinh 5 đứa con…”.
Kể đến đây thì anh bỗng im bặt, nỗi xấu hổ, ngại ngùng xen trong cả cái sự khó nói lí do vì sao phải cố đẻ đến đứa thứ 5 để được con trai khiến anh lắng lại… “Anh xin được giữ cho riêng bản thân mình thôi em nhé vì nghĩ đi nghĩ lại việc cũng qua rồi. Ở làng của anh ai cũng biết rồi nên anh cũng không muốn nhắc lại đâu em ạ”.
Không muốn bắt bẻ anh thêm vì có lẽ nỗi đau và sự tủi nhục cả về thể xác lẫn tinh thần anh đều đã thấm đủ. Minh chứng là cái lưng còng rạp đến độ nếu đứng thẳng dù cố lắm anh cũng không cách nào ngẩng đầu để nhìn lên được. Rồi cả những cơn đau hành hạ mà anh không dám mua đến ngay một viên thuốc vì số tiền trợ cấp ít ỏi dành cho người tàn tật anh phải để đóng học cho con.
Cuộc sống nghèo khó triền miên, nhưng nếu chị Hiệu không đột ngột mắc bệnh có lẽ “Để anh ấy nhận 1 đồng của ai cho cũng khó cô ạ vì anh ấy bảo ở nhà khâu nón là đủ bữa rau, bữa cháo rồi”- một người hàng xóm của gia đình cho hay.
Trước hoàn cảnh đáng thương của vợ chồng anh Sơn, chị Hiệu, bà con lối xóm cũng đã góp mỗi người một ít cho chị đến viện nhưng: “Mẹ đóng tiền học cho con hết rồi cô ạ”- bé út vừa khóc vừa mếu máo.
Trao đổi thông tin với PV Dân trí, anh Nguyễn Văn Hiếu – Trưởng thôn Văn La, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội ái ngại khi nhắc đến gia đình anh Sơn: “Gia đình anh Sơn, chị Hiệu là hộ nghèo, khó khăn vào hàng nhất với thời gian cũng lâu nhất. Bản thân anh Sơn tàn tật không lao động được, lại đông con, hiện 2 đứa lớn đã đi lấy chồng nhưng cũng toàn nghèo khổ không đủ ăn nên không giúp được gì cả. Gần đây chị Hiệu lại mắc bệnh hiểm nghèo nhưng không có tiền đi viện, sự việc này chúng tôi cũng đã nắm được nên cũng đã nhanh chóng hỗ trợ một phần nhỏ đối với gia đình nhưng nói thật là chẳng thấm vào đâu cả. 3 đứa con của anh Hiệu còn nhỏ, nếu không may chị Hiệu không còn nữa, tôi thật tình không hiểu bố con sẽ sống ra sao nữa”.
Lời của anh Hiếu khiến tôi cũng trăn trở vì nếu không được đến viện kịp thời tính mạng của chị Hiệu sẽ bị đếm ngược từng ngày. Và nếu điều tồi tệ ấy xảy ra thì mình anh Sơn sẽ xoay sở ra sao khi mà 3 con còn quá nhỏ. Chúng hoàn toàn không hiểu gì về căn bệnh, chỉ biết rằng số tiền mọi người cho mẹ đã dành nộp học hết cho con để các con tiếp tục được đến trường./.