Chưa tìm được đầu ra cho rau an toàn

Giá rau chỉ ngang bằng hay thấp hơn giá rau thường, không bù đắp được chi phí sản xuất

Đề án phát triển vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn của TP. Hà Nội có kinh phí thực hiện lên tới gần 1.000 tỷ đồng với mục tiêu đến năm 2015, toàn thành phố có 5.000 ha rau an toàn. Tuy nhiên, sau 6 năm triển khai, việc thực hiện vẫn ì ạch, nhiều vùng sản xuất rau an toàn của Hà Nội gần như bị xóa bỏ dù đã nằm trong quy hoạch phát triển của nhiều quận, huyện. Lý do chính là người trồng rau không tìm được đầu ra cho sản phẩm  trong khi vai trò của Hợp tác xã rau sạch hầu như quá mờ nhạt trong vai trò là bà đỡ cho xã viên.

Cùng với Phúc Lợi và Cự Khối, Giang biên là một trong ba phường trong vùng quy hoạch xây dựng mô hình rau an toàn của quận Long Biên, Hà Nội. Vùng đất rộng 8,7 ha ven sống Đuống được quy hoạch trồng rau an toàn đang bị bỏ trống. Không còn những luống rau xanh non mơn mởn trải dài, thẳng tắp như trước kia, thay vào đó là những luống cỏ cao ngang lưng người, xen lẫn những luống rau bí và cà chua cằn cỗi. Khu nhà lưới được đầu tư xây dựng cách đây 2 năm cũng bị gió và mưa đánh tan nát. Vài năm trước người dân rất hào hứng, đầu tư công sức cho sản xuất rau. Tuy nhiên, do rau an toàn của Giang Biên sản xuất ra nhưng không tìm được chỗ tiêu thụ ổn định, bà con phải vừa trồng rau, vừa tự thu hoạch và đem bán tại các chợ quanh vùng hoặc đưa sang nội thành bán rong. Do vậy giá rau chỉ ngang bằng hay thấp hơn giá rau thường, không bù đắp được chi phí sản xuất.

Chị Phạm Như Hoa, người trồng rau ở phường Giang Biên cho biết: “Lúc đầu người ta cung cấp phân bón và hứa thu mua cho chúng tôi. Nhưng khi trồng ra 2 sào cà chua chỉ thu mua có mười mấy cân. Cái chính là chúng tôi không có đầu ra, bán trên chợ bị đuổi. Giá rau  thấp, thậm chí rẻ hơn rau thường nên giờ chúng tôi chuyển sang trồng ngô”.

Hai năm trước đây, những giống cây tốt nhất và thuốc bảo vệ thực vật đều được ngành nông nghiệp chọn lọc, nhập về từ những đơn vị uy tín như: Trường Đại học Nông nghiệp, Công ty giống cây trồng Hà Nội. Chính quyền phường xây trạm bơm ngay trong khu sản xuất và hệ thống tưới tiêu đến tận ruộng, cung cấp phân bón cho người trồng rau. Đồng thời, đưa bà con đi tham dự nhiều lớp tập huấn trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên, qua trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Giang Biên, đơn vị chỉ đạo sản xuất chính cho khu trồng rau an toàn này đã cho thấy chưa có tiếng nói đồng thuận giữa người trồng rau và Hợp tác xã. Lý do mà ông Hoàng nêu ra đó là: “Tiêu thụ rau chưa làm được vì sản lượng rau vẫn chưa đồng đều, mặt hàng chưa đa dạng. Đã có nhiều doanh nghiệp về đây nhưng họ không thu mua được do sản xuất manh mún quá, quanh đi quẩn lại chỉ có rau bí và cà chua. Do đô thị hóa quá nhanh nên người dân không thể sống bằng nghề rau, giờ hiện tại người làm rau không đến chục người”.

Thực tế khảo sát tại các chợ của thành phố Hà Nội mới thấy, các điểm phân phối rau an toàn còn quá ít. Tại các chợ lớn như chợ Hôm, chợ Thành Công hay Kim Liên thì những ki ốt bán rau an toàn chỉ đếm trên đầu ngón tay, đó là chưa kể đến hàng ngàn chợ nhỏ xen lẫn trong các khu dân cư thì điểm bán rau an toàn tuyệt nhiên là không có. Chị Nguyễn Thị Định, người bán rau an toàn duy nhất tại chợ Hôm cho biết: mỗi ngày cũng chỉ bán được vài chục kg rau. Người mua chủ yếu là khách quen và có thu nhập cao. Chị Nguyễn Thị Định cho biết: “Rau chủ yếu bán cho người quen, có thu nhập cao một chút, mua cho người ốm, trẻ em. Còn người thu nhập thấp vẫn tìm mua những rau bình thường người ta ăn. Do giá rau sạch cao hơn rau thường đến 3-4 giá, nên khách chủ yếu chỉ là khách quen thôi. Giờ một ngày chỉ bán được vài chục cân”.

Hiện giờ rau an toàn đang được phân phối chủ yếu tại các siêu thị. Tuy nhiên, đại diện của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết hiện siêu thị chỉ chiếm 18% thị phần trong đó rau chỉ chiếm 3%, trên 90% lượng rau còn lại tiêu thụ ở thị trường tự do. Trong khi mạng lưới phân phối còn nhiều hạn chế thì  người dân vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng của rau an toàn. Vì thế họ vẫn chọn mua những loại rau thường có giá rẻ hơn.

Hà Nội với hơn 6 triệu dân, có nhu cầu sử dụng rau an toàn lớn, 2.500 ha trồng rau an toàn được quy hoạch hiện nay vẫn quá nhỏ bé. Thế nhưng rau an toàn vẫn chưa có thị trường tiêu thụ. Nghịch lý ấy vẫn tồn tại chỉ vì chưa có quy hoạch hợp lý trong việc sản xuất, kiểm định, và tiêu thụ rau an toàn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên