Cô dâu Việt cần một hành trang văn hóa
Thông qua văn hóa con người dễ tiếp nhận và dung hợp lẫn nhau, cho dù khác biệt về điều kiện kinh tế, phong tục tập quán giữa các dân tộc, các quốc gia.
Những năm gần đây, việc phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài thu hút sự quan tâm của xã hội cũng như chính phủ của cả nơi đi và nơi đến. Tuy nhiên, nghiên cứu về vấn đề này còn ít vì tính nhạy cảm cũng như sự phức tạp của quá trình thu thập số liệu.
Thông tin về hôn nhân giữa cô dâu Việt Nam với nam giới người nước ngoài chủ yếu là từ báo chí với những câu chuyện đơn lẻ được nhìn nhận theo hướng tiêu cực. Thực tế, việc kết hôn với người nước ngoài nên nhìn nhận ra sao?
Nghiên cứu từ Dự án Di cư của phụ nữ Việt Nam sang các nước Đông Á để kết hôn cũng chỉ ra rằng, hôn nhân với nam giới ở nước ngoài được một số phụ nữ Việt Nam nhìn nhận như một cơ hội tốt để nâng cao chất lượng sống, cải thiện địa vị xã hội và mở rộng tầm mắt.
Cơ quan chức năng phá một vụ môi giới hôn nhân bất hợp pháp (Ảnh: Internet) |
Kết quả điều tra từ 250 gia đình có con lấy chồng ngoại quốc, tại huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) cho thấy, trong năm 2007, 93% gia đình đã nhận được tiền gửi về từ phụ nữ di cư theo diện hôn nhân. Cụ thể, trong 1 năm, hơn 25% phụ nữ lấy chồng nước ngoài gửi về cho gia đình từ 1.200-3.000 USD, hơn 17% gửi về nhà số tiền từ 3000 USD la trở lên.
Là người đã được gặp gỡ và tiếp xúc với những trường hợp lấy chồng ngoại quốc, Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân (Viện Xã hội học) nhận định: những cô dâu mà bà gặp đều tự nguyện lấy chứ chẳng ai ép buộc cả!
“Những cô dâu mà chúng tôi đã gặp ở Đài Loan thì rất nhiều cô hạnh phúc. Có một số cô dâu Việt Nam khác thì gặp thất bại, nhưng khi được phỏng vấn đều cho biết tự nguyện lấy khi thất người nọ người kia hạnh phúc, có tiền gửi về”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân cho biết.
Nhận định này có thể khác với hình dung của nhiều người về chuyện lấy chồng nước ngoài, bởi thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện không ít các vụ việc xem mặt cô dâu, chọn vợ tập thể, dịch vụ môi giới trái phép. Qua đó, vệc kết hôn thường diễn ra rất đơn giản, nhanh chóng. Nhiều trường hợp không có mục đích nào ngoài kinh tế. Tác hợp vội vàng gượng ép khó thành lương duyên, khi chung sống cố duy trì cũng khó bền vững.
Có những cô gái trẻ còn chấp nhận kết hôn với người già yếu, tàn tật, kể cả bệnh hoạn, mất năng lực hành vi dân sự, từ đó dẫn tới rủi ro trong hôn nhân và cuộc sống. Vì vậy, trên báo chí thường xuất hiện những cái tít như: “Cô dâu Việt, duyên phận bẽ bàng”, “Thêm một cô dâu Việt bị chồng sát hại”, “Báo động hôn nhân với người nước ngoài qua môi giới” hay “Kết hôn với người nước ngoài: nỗi buồn và nước mắt”….
Tại các nước có nhiều cô dâu là người nước ngoài còn xảy ra tình trạng kỳ thị. Các cô dâu nước ngoài bị phân biệt đối xử, bị loại khỏi thị trường lao động và các hoạt động cộng đồng. Theo thống kê chưa đầy đủ, khoảng 20% cô dâu Việt Nam bị lợi dụng và phải quay về nước trong nỗi thất vọng, nhiều trường hợp rất đau lòng.
Tuy nhiên, đó là số ít và chỉ xảy ra cục bộ ở một số nơi, chủ yếu là đối tượng với những trường hợp lấy chồng thông qua môi giới bất hợp pháp. Còn trên thực tế, số phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài ngày càng tăng, nhiều nhất là ở Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Ước tính trong 10 năm gần đây có trên 10 vạn phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan và 15.000 người lấy chồng Hàn Quốc. Đa số đạt được mục đích trong hôn nhân. Cô dâu Việt được đánh giá rất cao tại Hàn Quốc bởi sự hòa nhập xã hội nhanh và những đức tính nổi bật của phụ nữ Việt Nam.
Dự án nghiên cứu về Di cư của phụ nữ Việt Nam sang các nước Đông Á để kết hôn do Viện nghiên cứu phát triển xã hội Việt Nam và Trường Đại học Western Ontario phối hợp thực hiện từ năm 2008 đến nay cũng khẳng định điều đó.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội Việt Nam cho rằng, cần phải có sự hỗ trợ chủ động chứ không phải để xảy ra chuyện rồi mới tìm cách giải quyết.
“Chúng ta phải ý thức xu hướng hôn nhân quốc tế là tất yếu và không tránh khỏi, nó sẽ tiếp tục và đều đặn. Như thế có nghĩa là chúng ta phải có chính sách hỗ trợ chủ động hơn để kịp giải quyết vấn đề. Những công ty môi giới phải được quản lý chặt chẽ, tuân thủ mọi quy định của pháp luật cũng như phù hợp về mặt văn hóa”, bà Hồng nhấn mạnh.
Thực tiễn khẳng định văn hóa là hành trang quan trọng cho cô dâu Việt khi về làm dâu xứ người. Bởi thông qua văn hóa con người dễ tiếp nhận và dung hợp lẫn nhau, cho dù khác biệt về điều kiện kinh tế, về phong tục tập quán giữa các dân tộc, các quốc gia khác nhau.
Vì vậy, tối thiểu thì những phụ nữ muốn đi làm dâu ở nước ngoài cần có kiến thức về lối sống, ngôn ngữ, về tình trạng sức khỏe, hoàn cảnh gia đình của đối tượng sẽ kết hôn, về pháp luật ở đất nước sở tại. Nếu có điều kiện hơn, họ nên được trang bị, hoặc tự mình trang bị và thực hành những kĩ năng ứng xử cơ bản về hôn nhân gia đình.
Với hành trang như thế, nếu như mối lương duyên lại được xây dựng từ tình yêu, từ sự hiểu biết, lòng cảm thông và thái độ chia sẻ lẫn nhau thì không còn gì tốt đẹp bằng. Khi đó, cho dù thông qua mai mối hay tác hợp tự nhiên thì chị em dứt áo đi làm dâu xứ người vẫn có thể chủ động và tự tin hơn, để “cho duyên đằm thắm không thể ra duyên bẽ bàng”./.