Có nên đi bước nữa?

VOV.VN - Tuổi già cô đơn rất cần người bầu bạn. Nhưng có nên đi bước nữa khi đã ở vào độ tuổi "xưa nay hiếm"?

# Chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi - VOV2 nhận được lá thư của một thính giả cao tuổi ở huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội tâm sự:

Tôi có một người bạn năm nay đã 75 tuổi, vợ chồng ông ấy có 3 người con, 1 trai, 2 gái. Các con ông ấy đều đã lập gia đình đều có nhà riêng ở nơi khác. Các cháu nội, ngoại đều đã lớn. Có cháu đã xây dựng gia đình rồi.

Cách đây 6 năm, do tuổi cao, mắc bệnh nặng, vợ ông ấy cũng đã rời bỏ ông ấy về cõi vĩnh hằng. Một mình ông hàng ngày thui thủi trong căn nhà trống, các con, cháu đều bận mải việc gia đình riêng nên cũng ít qua lại chăm nom bố. Thời gian gần đây có một bà cũng đã gần 70 tuổi, đồng cảnh ngộ với ông ấy thường xuyên qua lại chăm sóc, trò chuyện. Ông ấy bảo, ngày xưa họ có đi thanh niên xung phong với nhau. Không hiểu do ảnh hưởng trong chiến tranh hay vì lý do nào khác nữa mà bà ấy về xây dựng gia đình nhưng không sinh nở được, ông chồng mất cũng khá lâu rồi.

Tôi thấy ông bà ấy cũng dường như “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” vì sợ lời dị nghị của xóm làng và sợ các con không đồng ý. Ông ấy hỏi tôi, có nên đón cô ấy về làm vợ để san sẻ hưu quạnh tuổi già không nhưng tôi chưa biết trả lời ra sao.

# Thưa quý thính giả!

Từ xưa đến nay, ai cũng bảo, đàn bà là phái yếu nhưng trên thực tế theo quan sát của cá nhân tôi: đàn ông khi chẳng may lâm vào hoàn cảnh vợ qua đời trước thì rất dễ dẫn đến suy sụp. Ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có những nhu cầu về tình cảm. Với tuổi già không còn làm việc xã hội, chỉ quanh quẩn trong gia đình thì nhu cầu chia sẻ, an ủi, tâm sự thường ngày lại càng cần hơn, mà điều này thì con cháu không thể làm được do khoảng cách thế hệ, tuổi tác, và hạn chế về thời gian...

Vì vậy, người già cô đơn rất cần có một người bạn khác giới cùng thế hệ để có thể chia sẻ chuyện trò, chăm lo cho nhau lúc trái nắng trở trời. Người bạn già của bác giờ đã gần 80 tuổi nhưng phải sống một mình lẻ bóng, đơn chiếc. “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, bác nên khuyên ông bạn mình đón bà ấy về để ngày ngày bầu bạn, tâm sự, sẻ chia và chăm sóc nhau lúc bình thường cũng như khi ốm đau. Suy nghĩ của xã hội về việc này giờ đã thoáng hơn nhiều. Các con của bác ấy đều đã trưởng thành chắc cũng không nặng nề về việc này. Vả lại cuộc sống là của mình, tự mình quyết định chứ cứ nhìn ngó để sống cho người khác thì mệt lắm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên