Còn là chuyện văn hóa ứng xử

Chuyện đi đường ngược chiều có thể nói là diễn ra ở rất nhiều tuyến đường ở Hà Nội, miễn là người đi đường cảm thấy tiện lợi cho cá nhân mình.

Con đường Mỹ Đình đã được chia 2 làn đường rất to, nhưng sáng sáng, cả đoàn người (cả xe đạp lẫn xe máy) vẫn “hồn nhiên” đi ngược chiều đường để vào trung tâm Hà Nội, bất chấp sự an toàn tính mạng cho chính mình và người đi đường. ở nhiều tuyến phố, đã xảy ra trường hợp, chỉ vì một chiếc xe máy đi ngược chiều, dẫn đến ách tắc cả một đoạn dài. Thật buồn khi không chỉ những người trẻ tuổi, mà có cả nhiều người lớn tuổi cũng đi vào đường ngược chiều như một sự “tất nhiên”.

Chuyện vượt đèn đỏ ở Hà Nội cũng được coi như... chuyện thường. Thậm chí, đang đèn đỏ, những người đi sau vẫn rú còi inh ỏi để “buộc” người đứng chờ phía trước phải đi. Nhiều người đứng chờ đèn đỏ còn bị những người phía sau chửi là “dở hơi”, “ngố”, “thộn”… Rất nhiều người chỉ chấp hành nghiêm Luật Giao thông khi thấy bóng cảnh sát giao thông, chứ không tự giác thực hiện. Nhưng cũng chính những người này, nhiều khi, có cảnh sát giao thông đứng ở ngã tư, thì dù đèn xanh đã sáng, vẫn... đứng ì vì sợ!

Khi xảy ra ùn tắc giao thông, nhiều người vẫn kiên trì tuân theo điều hành của cảnh sát giao thông, nhưng không ít người bằng mọi giá thoát khỏi khu vực ùn tắc, mạnh ai nấy đi, chỉ vì sự thuận tiện của cá nhân, càng dẫn đến sự hỗn loạn và kéo dài thời gian ách tắc. Luật Giao thông qui định người tham gia giao thông phải tuân thủ người điều khiển giao thông trên đường. Nhưng không ít trường hợp vẫn “cậy” số đông để bất chấp hiệu lệnh của người điều khiển, khiến cho tình trạng ùn, ách tắc càng thêm trầm trọng. Tại ngã tư Láng Hạ - Láng, người viết bài này đã chứng kiến cảnh các phương tiện hùa theo nhau đi, bất kể đèn đỏ, cũng như có cảnh sát giao thông đang điều khiển, dẫn đến cả một đoàn xe ô tô tắc nghẽn dài gần 1km, trong khi cảnh sát giao thông thì gào lên bất lực: “Mọi người không nghe hiệu lệnh của tôi thì chỉ càng tắc đường thêm thôi!”.

Các qui định mới về nồng độ rượu đối với người tham gia giao thông đã được triển khai, nhưng các bợm nhậu vẫn bất chấp. Nhiều trường hợp chỉ va quệt nhỏ, nhưng do có hơi men, đã dẫn đến lớn chuyện, thậm chí ẩu đả dẫn đến trọng thương và gây ách tắc cả một đoạn đường.

Thế nên, mặc dù Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã bố trí lại nhiều điểm nút giao thông, nhưng ở nhiều nơi, nhiều đoạn, vẫn xảy ra ùn tắc.

Văn hóa giao thông là sự tôn trọng, chấp hành đầy đủ luật lệ giao thông, không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn vì sự an toàn cho người khác. Nếu như không có ý thức tự giác, có văn hóa khi tham gia giao thông của mọi người, thì lực lượng cảnh sát giao thông dù có đông đến mấy, cũng khó có thể duy trì được giao thông thông suốt cũng như an toàn giao thông trên các tuyến đường Thủ đô./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên