Công dân kêu oan trước cổng Quận ủy Tây Hồ-Hà Nội

Sau khi tiếp thu ý kiến của công dân, đại diện Quận ủy Tây Hồ hứa sẽ tổ chức đối thoại với công dân, cùng các bên liên quan.

Sau nhiều lần gửi đơn khiếu nại không được xem xét lại chế độ bồi thường, 8 hộ dân ở phường Nhật Tân có đất bị thu hồi phục vụ dự án đường giao thông quyết định vác trống kêu oan tại cổng trụ sở Quận ủy - UBND quận Tây Hồ

Trước nỗi bức xúc của công dân, sáng ngày 28/11/2013, Quận ủy Tây Hồ đã cử đại diện, kết hợp với các phòng, ban chức năng của UBND quận Tây Hồ tiếp và lắng nghe ý kiến của công dân. Dưới sự chủ trì của bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Bí thư thường trực Quận ủy Tây Hồ, 8 hộ dân gồm: Nguyễn Ngọc Thông, Ngô Minh Hoàn, Nguyễn Thị Mứt, Chu Thúy Hường, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Mạnh Tùng, Nguyễn Đình Thiện trú tại cụm dân cư số 5, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ đã trình bày những kiến nghị liên quan đến phương án bồi, thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất phục vụ Dự án vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy.

Biên bản buổi làm việc ngày 17/5/2012 của Quận ủy Tây Hồ với công dân

Sau khi tiếp thu ý kiến của công dân, đại diện Quận ủy Tây Hồ hứa sẽ tổ chức đối thoại với công dân, cùng các bên liên quan trong tuần tới để làm rõ nội dung khiếu nại liên quan đến chế độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở phường Nhật Tân. Trước đó, vào ngày 17/5/2012, ông Nguyễn Văn Thắng - Bí thư Quận ủy Tây Hồ đã có buổi tiếp công dân phường Nhật Tân và hứa trả lời bằng văn bản về các nội dung kiến nghị, nhưng đến nay công dân chưa nhận được văn bản nào của Quận ủy Tây Hồ.

Như thông tin đã đưa, các hộ dân: Nguyễn Thị Mứt, Nguyễn Ngọc Thông, Ngô Minh Hoàn, Chu Thúy Hường, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Mạnh Tùng, Nguyễn Đình Thiện trú tại cụm dân cư số 5, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội phản ánh, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc áp dụng chế độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không phù hợp thực tế, xâm hại quyền lợi hợp pháp của công dân.

Theo hồ sơ PV thu thập được, để thực hiện Dự án vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy, UBND quận Tây Hồ đã tiến thu hồi đất của các xã viên HTX phường Nhật Tân, trong đó có 8 hộ dân nêu ở trên. Các hộ dân này đều có giấy tờ chứng minh được HTX nông nghiệp Nhật Tân giao quản lý, sử dụng, sản xuất giai đoạn 1987 - 1988. Công an phường Nhật Tân cũng xác nhận việc các hộ dân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất.

Để phục vụ dự án giao thông, 8 hộ dân phường Nhật Tân đã cùng phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho UBND quận Tây Hồ lấy mặt bằng thi công. Trong ngày 28/9/2009, UBND quận Tây Hồ ký và ban hành Quyết định thu hồi đất đối với 8 hộ dân: Nguyễn Thị Mứt, Ngô Minh Hoàn, Chu Thúy Hường, Nguyễn Ngọc Thông, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Mạnh Tùng, Nguyễn Đình Thiện.

Tuy nhiên, khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND quận Tây Hồ lại ghép hộ Nguyễn Thị Mứt, hộ bà Ngô Minh Hoàn và hộ bà Chu Thúy Hường vào 1 phương án đền bù, hỗ trợ. Tương tự là ghép hộ ông Nguyễn Ngọc Thông và 4 hộ của ông Tùng, Minh, Thiện, Tuấn vào 1 phương án. Trong khi, UBND quận Tây Hồ ban hành Quyết định thu hồi với từng hộ riêng biệt.

Nhận thấy việc áp dụng chế độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đe dọa quyền lợi, các hộ dân phường Nhật Tân làm đơn khiếu nại gửi UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan. Ngày 19/11/2009, Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội có tờ trình số 775/TTr-BCĐ do ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng Ban Chỉ đạo GPMB Thành phố ký, gửi UBND Thành phố. Sau đó, ngày 27/11/2009, ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND Thành phố ký văn bản hướng dẫn số 11382/UBND-TNMT đồng ý với đề xuất của liên ngành.

Văn bản 11382 của UBND TP Hà Nội

Nội dung văn bản số 11382 nêu rõ: “Khi nhà nước thu hồi đất, các trường hợp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng do nhận chuyển nhượng, cho tặng, chia tách (không được giao đất lần đầu) và đã hoàn tất các thủ tục theo qui định của pháp luật, được áp dụng chính sách theo khoản 3 Điều 13 Quyết định 108/QĐ ngày 29/9/2009 của UBND TP Hà Nội.

Khi nhà nước thu hồi đất, các trường hợp nhận chuyển nhượng, cho tặng, chia tách và chưa hoàn tất các thủ tục theo qui định của pháp luật, được áp dụng chính sách theo qui định tại khoản 3 Điều 13 Quyết định 108/QĐ ngày 29/9/2009 của UBND TP Hà Nội, đối với diện tích thực tế bị thu hồi khi đủ các điều kiện sau: Hộ đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có hộ khẩu thường trú tại phường; Tổng diện tích đất nông nghiệp được hỗ trợ không vượt quá 5 lần hạn mức giao đất ở mới tối đa tại địa phương và không vượt quá diện tích đất được giao lần đầu của hộ đó...”.

Theo nội dung văn bản số 11382, tất cả 8 gia đình nêu trên đều thuộc đối tượng sẽ được đền bù và hưởng mức hỗ trợ phần diện tích đất bị thu hồi theo khoản 3, Điều 13, Quyết định 108. Vì 8 hộ dân này hội tụ đầy đủ các yêu tố để được hưởng chế độ hỗ trợ: Là hộ đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp; có hộ khẩu thường trú tại phường; đã chia tách đất nông nghiệp để các hộ riêng biệt tự sản xuất và nộp thuế cho nhà nước từ hơn 20 năm trước.

Văn bản 11382 ban hành năm 2009, nhưng quyền lợi của công dân vẫn không được giải quyết. Trước sức ép của Chủ tịch UBND Thành phố, Bộ Giao thông vận tải và áp lực bị nhà thầu đòi bồi thường do chậm GPMB. Ngày 28/8/2013, ông Đỗ Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ ký văn bản số 895/UBND- BBT báo cáo đề xuất phương án tháo gỡ tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với 8 hộ dân phường Nhật Tân theo tinh thần hướng dẫn tại văn bản số 11382/UBND-TNMT ngày 27/11/2009.

Dự án vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy

UBND quận Tây Hồ kiến nghị: “Do có nhiều tình tiết phát sinh, ông Nguyễn Ngọc Thông đã mất nên không thể chi trả tiền mà phải điều chỉnh lại phương án. Hơn nữa, đến nay hộ ông Nguyễn Ngọc Thông vẫn có 5 xác nhận nguồn gốc sử dụng đất; 05 xác nhận hộ khẩu trực tiếp sản xuất nông nghiệp, 05 quyết định thu hồi đất; hộ bà Mứt có 03 xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, 03 xác nhận hộ khẩu trực tiếp sản xuất nông nghiệp, 03 quyết định thu hồi đất...”.

Ngày 7/10/2013, ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 7453/UBND- TNMT đề nghị quận Tây Hồ không thực hiện theo nội dung nêu tại văn bản 11382/UBND do TP Hà Nội ban hành ngày 27/11/2009.

Để sớm ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất phục vụ dự án giao thông trọng điểm của Thành phố, 8 hộ dân ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ khẩn thiết đề nghị Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra, điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho phù hợp thực tế, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho công dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

18 hộ dân kiện chủ đầu tư thuỷ điện Sông Tranh 2
18 hộ dân kiện chủ đầu tư thuỷ điện Sông Tranh 2

Các hộ này cho rằng, chủ đầu tư đền bù thấp, và họ đã khởi kiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam và UBND huyện Nam Trà My.

18 hộ dân kiện chủ đầu tư thuỷ điện Sông Tranh 2

18 hộ dân kiện chủ đầu tư thuỷ điện Sông Tranh 2

Các hộ này cho rằng, chủ đầu tư đền bù thấp, và họ đã khởi kiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam và UBND huyện Nam Trà My.

Hỗ trợ cho 58 hộ dân tại Vũng Rô
Hỗ trợ cho 58 hộ dân tại Vũng Rô

Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là 25,9 tỷ đồng (bao gồm bồi thường đất, nhà cửa, vật kiến trúc, hỗ trợ ổn định cuộc sống, hỗ trợ chuyển đổi nghề).  

Hỗ trợ cho 58 hộ dân tại Vũng Rô

Hỗ trợ cho 58 hộ dân tại Vũng Rô

Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là 25,9 tỷ đồng (bao gồm bồi thường đất, nhà cửa, vật kiến trúc, hỗ trợ ổn định cuộc sống, hỗ trợ chuyển đổi nghề).  

Bồi thường không thỏa đáng, 8 hộ dân Tây Hồ viết đơn kêu cứu
Bồi thường không thỏa đáng, 8 hộ dân Tây Hồ viết đơn kêu cứu

8 hộ dân đề nghị cơ quan chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra, điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với thực tế

Bồi thường không thỏa đáng, 8 hộ dân Tây Hồ viết đơn kêu cứu

Bồi thường không thỏa đáng, 8 hộ dân Tây Hồ viết đơn kêu cứu

8 hộ dân đề nghị cơ quan chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra, điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với thực tế