Cuộc thi làm bánh giầy giữa các làng ở Sầm Sơn

VOV.VN -Tiếng chày giã bánh, tiếng kèn trống hòa cùng tiếng reo hò của khán giả làm cho lễ hội  trở nên sôi động, hấp dẫn.

Hôm nay (9/6) tại khu du lịch thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã diễn ra lễ hội Bánh chưng- Bánh giầy 2014. Đây là một trong những lễ hội nằm trong chuỗi các hoạt động thể thao, văn hóa mùa du lịch Sầm Sơn 2014.

Lễ hội Bánh chưng- Bánh giầy là lễ hội truyền thống văn hóa có lịch sử lâu đời, được nhân dân Sầm Sơn tổ chức thường niên vào ngày 12/5 âm lịch, với mục đích tạ ơn trời đất và các vị thánh thần, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, biển lặng sóng êm, mùa màng tươi tốt, tôm cá đầy thuyền.

Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân thuộc 7 làng cũ của thị xã Sầm Sơn đã diện những bộ trang phục lễ hội truyền thống, tham gia đội hình rước kiệu diễu quanh các đường phố chính rồi tề tựu tại sân đền Độc Cước, nơi diễn ra chính lễ. Trong tiếng trống linh thiêng, các cụ cao niên trong làng đọc chúc văn tưởng nhớ công ơn của các tiền bối, những người đã có công khai phá và xây dựng vùng đất Sầm Sơn để dân làng được như ngày hôm nay.

Độc đáo và được chờ đón nhất ở lễ hội là phần thi làm bánh giầy với 7 đội thi đến từ 7 làng của các phường. Đội thi dành giải nhất năm trước sẽ có vinh dự được rước ngọn lửa thiêng từ đền Độc Cước tới sân khấu chính cuộc thi để nổi lửa khai mạc phần thi tranh tài. Tiếng chày giã bánh, tiếng kèn trống hòa cùng tiếng reo hò của khán giả làm cho lễ hội trở nên sôi động, hấp dẫn.

Để chuẩn bị cho cuộc thi này, các đội sẽ tự chuẩn bị nguyên liệu, đồ dùng từ ngày hôm trước. Mỗi đội sẽ phải chuẩn bị 20kg gạo nếp ngon để làm 2 chiếc bánh giầy có đường kính 30cm, cao 10cm cùng với các dụng cụ khác như: nồi, bếp, củi lửa, chày cối giã bánh…

Ngay tại khu vực thi, gạo nếp được nấu chín rồi đưa vào cối giã nhuyễn. Trong lúc đợi nếp chín, các cổ động viên, hoạt náo viên reo hò, nhảy múa quanh bếp lửa khiến cuộc thi thêm phần sôi động.

Phần nặng nhọc nhất trong quá trình làm bánh là giã nếp và công việc này hầu hết do các trai tráng đảm nhận. Nếp sau khi được giã nhuyễn ngay lập tức được mang ra để nhào nặn. Phần nặn bánh thường được giao cho các cụ cao niên khéo tay, giàu kinh nghiệm. Bánh được nhào nặn, vê cho tròn, mịn, đúng kích thước và đẹp mắt. 

Những chiếc bánh giầy được hoàn thành trong thời gian chưa đầy 1 tiếng sẽ được ban giám khảo chấm điểm và được đặt sang trọng trên những chiếc kiệu để dân làng đưa về tế lễ ở khu vực đền Ðộc Cước. Sau khi lễ hội kết thúc, bánh được chia cho dân trong làng, cùng nhau hưởng lộc, phúc để trong năm gặp nhiều may mắn và bình an.

Ông Lưu Hùng Sơn- Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sầm Sơn cho biết: “Đây không chỉ là lễ hội văn hóa truyền thống lâu đời của thị xã mà còn là cơ hội để giới thiệu và quảng bá với đông đảo nhân dân và du khách về mảnh đất, con người và các giá trị văn hóa của Sầm Sơn”./.

Một số hình ảnh của lễ hội: 

Lễ hội Bánh chưng- bánh giầy là lễ hội truyền thống văn hóa có lịch sử lâu đời của nhân dân Sầm Sơn được tổ chức thường niên vào ngày 12/5 âm lịch

Đội thi giành giải nhất năm trước vinh dự được rước ngọn lửa thiêng từ đền Độc Cước tới sân khấu chính cuộc thi để nổi lửa khai mạc cuộc thi. 

Các đội ngay lập tức bắt tay vào công đoạn đồ nếp

Áp lực thời gian khiến các đội phải hoàn thành mọi công đoạn một cách nhanh nhất

Trong lúc đợi nếp chín, các cổ động viên, hoạt náo viên reo hò, cổ vũ quanh bếp lửa khiến cuộc thi thêm phần sôi động.

Nếp chín được lấy ra nhào sơ qua trước khi mang giã

Phần nặng nhọc nhất trong quá trình làm bánh là giã nếp

Nếp sau khi được giã nhuyễn ngay lập tức được mang ra để nhào nặn. Các cụ cao niên khéo tay, giàu kinh nghiệm phụ trách phần nặn bánh

Cổ vũ các đội dự thi

Một nghệ nhân làm bánh chăm chút cho sản phẩm của mình trước khi mang nộp ban giám khảo

Bánh đạt yêu cầu phải tròn, mịn, đúng kích thước, đẹp mắt và thơm ngon

Ban giám khảo chấm điểm những chiếc bánh vừa hoàn thành

Những chiếc bánh vừa hoàn hành sẽ được dâng lên tế lễ

Lễ vật dâng lên Thần linh gồm bánh chưng, bánh giầy và ngũ quả

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên