Đà Nẵng mạnh tay với nhà thuốc tự ý nâng giá
Thành phố kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận hoặc đóng cửa nếu vi phạm quá 2 lần
Theo thống kê của một số đơn vị thầu cung ứng thuốc, hiện nay ở Đà Nẵng có 42/2.000 mặt hàng thuốc trong nước tăng giá từ 5-87%. Cụ thể Glutamin B6 (lọ/100 viên) tăng 50% (từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng), Hộ Tâm đường tăng tới 87% (từ 33.750 đồng lên 63.000 đồng)….
Giải thích về nguyên nhân này, 2 công ty dược phẩm lớn ở Đà Nẵng là Danapha và Darphaco cho rằng chi phí sản xuất chịu ảnh hưởng nhiều bởi giá vận chuyển, nguyên liệu… và những yếu tố này đều đang biến động theo hướng tăng nhanh.
Tuy nhiên, với các thuốc điều trị cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh, giá vẫn được giữ nguyên đến hết thời gian trúng thầu (30/09/2011). Đề phòng trường hợp khan hiếm thuốc, các đơn vị cung cấp phải trình được giải pháp duy trì nguồn hàng, ưu tiên cung ứng cho các bệnh viện để phục vụ trực tiếp người bệnh... lên Sở Y tế.
BS Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết sẽ “chia sẻ” với các nhà thầu trong công tác bình ổn giá thuốc: “Đối với các loại thuốc trong danh mục thuốc doanh nghiệp cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc có giá tăng từ 5% trở lên so với giá trúng thầu thì doanh nghiệp cần tổng hợp, báo cáo kịp thời để Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, trình UBND thành phố xem xét giải quyết”.
Ngoài ra, Sở Y tế Đà Nẵng cũng yêu cầu các bệnh viện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc kê đơn, sử dụng thuốc đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều để tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Tránh tình trạng lạm dụng, sử dụng thuốc bất hợp lý, không cần thiết. Đồng thời khuyến khích tăng cường sử dụng thuốc nội giảm áp lực cho nhà cung ứng.
Ngoài ra, để ngăn chặn các đơn vị kinh doanh tự điều chỉnh giá thuốc hoặc niêm yết giá không đúng quy định, Sở Y tế TP Đà Nẵng sẽ kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề hay đóng cửa nếu vi phạm quá 2 lần.
Theo đó, trong Quý I/2011, Đoàn kiểm tra của Sở đã xử lý vi phạm 12 cơ sở (nhà thuốc, quầy thuốc), cảnh cáo nhắc nhở 2 trường hợp; phạt tiền 10 cơ sở với tổng số tiền nộp ngân sách 36,9 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là kinh doanh thuốc quá hạn, nhãn thuốc không có đủ hoặc không rõ nội dung thông tin, thuốc phi mậu dịch, dược liệu giả, không niêm yết giá theo quy định, cơ sở không đáp ứng các yêu cầu bản quản thuốc, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề hết hạn./.