Dân Tràng Cát, Thanh Oai tấp nập thu hoạch lá dong
VOV.VN - Không khí Tết đang tràn ngập khắp các thôn làng ở xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội
Những ngày này, về Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội không khí Tết tràn ngập khắp thôn làng. Người già, trẻ nhỏ tấp nập thu hoạch lá dong. Những chuyến xe hối hả vận chuyển lá dong đi khắp các vùng miền để phục vụ người dân gói bánh chưng dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Mỗi sào lá dong cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng |
Chị Phạm Thị Thanh ở thôn Tràng Cát, cho biết, năm nay lá dong Tràng Cát được mùa, được giá. Loại to, đẹp có giá 1.000 đồng/1 lá, loại nhỏ hơn có giá từ 500-700 đồng. Với 10 sào lá dong, Tết này gia đình chị sẽ thu về gần 100 triệu đồng.
Chị Thanh cho biết: “Từ mùng 10 tháng Chạp, không khí Tràng Cát rất tấp nập. Nhà nào cũng như nhà nào, đổ ra vườn cắt lá thu hoạch về nhà để chuẩn bị cho Tết. Khi cắt lá dong tức là có không khí Tết. Lá dong được từ Nam ra Bắc, cả nước ngoài cũng có. Kinh tế không cao nhưng truyền thống của cả làng, cả nước nên không muốn bỏ”.
Từ bao đời nay, lá dong Tràng Cát được người dân xa gần biết đến. Không chỉ phục vụ gói bánh chưng, lá dong còn được các nhà làm bánh tét, bánh nếp, bánh tẻ ưa chuộng... Theo bà Trương Thị Đào ở thôn Tràng Cát, lá dong Tràng Cát được thị trường ưa chuộng bởi bầu lá to và đẹp. Mặt dưới của lá có màu xanh non, cuống dài và đồng màu với gân lá. Khi luộc chín bánh sẽ có màu xanh tự nhiên và mùi thơm dễ chịu.
Lá dong Tràng Cát nổi tiếng mềm dễ gói bánh |
“Điểm đặc biệt của lá dong ở Tràng Cát là mềm, không giòn, nên dễ gói bánh. Khi luộc chín, ngoài chiếc bánh lá màu xanh, bên trong bánh cũng xanh, ngon hơn gói lá chuối. 100% dân làng ở Tràng Cát trồng lá dong. Vừa cắt vừa bán lá dong khoảng nửa tháng nên nhà nào cũng phải tập trung đông người vào làm để các nơi vào mua lá”.
Nghề trồng lá dong ở thôn Tràng Cát đã nổi tiếng, được truyền lại từ đời này qua đời khác. Lá được tỉa bán quanh năm nhưng vào tháng chạp (tháng 12 âm lịch) là đợt cắt tỉa chính và thu lợi nhuận nhiều nhất của người dân. Ông Phạm Trọng Nguyên, ở xóm Chùa, thôn Tràng Cát cho biết, cây dong là loại cây dễ trồng, không mất nhiều vốn, chỉ cần lấy gốc của cây để trồng một lần là cho thu hoạch nhiều năm. Mỗi sào trừ chi phí đi có thể thu về được gần 10 triệu đồng. Để giữ cho lá dong tươi lâu, sau khi cắt, người dân sẽ tưới nước sạch vào từng bó lá. Đến khi ráo nước thì để bó lá dong dưới gầm giường để giữ được lâu. Lá dong trung bình giữ được khoảng 15-25 ngày.
Lá dong được gom thành từng bó, tưới nước, để khô rồi cất dưới gầm giường có thể giữ được 15-25 ngày |
Những năm trước, Kim An là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao trong huyện (12%), nhưng năm nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn dưới 6%. Ông Lê Văn Kiệm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Kim An cho biết, lá dong góp phần quan trọng trong chuyển dịch kinh tế của địa phương. Dù người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng trong vườn mỗi nhà đều có những bầu lá dong khoe sắc để phục vụ nhu cầu gói bánh chưng đón Tết Nguyên đán của mọi nhà.
So với các loại cây trồng khác, thu nhập từ trồng lá dong không cao, khoảng 60.000 đồng/100 lá, bình quân 10 triệu đồng/1 sào. Do chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên diện tích trồng lá dong đã giảm./.