Đau mắt đỏ có thể biến chứng, dẫn đến mù loà
VOV.VN - Bệnh đau mắt đỏ nếu không chữa trị đúng và kịp thời có thể bị biến chứng, dẫn tới mù lòa.
Bệnh đau mắt đỏ đang xuất hiện tại nhiều địa phương trên cả nước và có dấu hiệu tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tại các bệnh viện mắt hoặc chuyên khoa về mắt, hàng ngày vẫn có hàng trăm lượt bệnh nhân tới thăm khám.
Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), trong tuần qua, mỗi ngày BV tiếp nhận trung bình từ 1.100- 1.500 bệnh nhân, trong đó chủ yếu là những người bị đau mắt đỏ. Và con số này vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Nếu bị đau mắt đỏ, người dân nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị cho đúng |
Biểu hiện bệnh
PGS.TS.BS Trần An –PGĐ Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp là bệnh có khả năng điều trị khỏi và không để lại di chứng nếu bệnh nhân đi khám kịp thời và điều trị đúng. Tuy nhiên, bệnh rất dễ nhầm với các bệnh viêm màng bồ đào cấp, bệnh glôcôm cấp. Những bệnh này cũng có các triệu chứng giống bệnh đau mắt đỏ, ngoài ra còn nhiều triệu chứng khác mà người bệnh không biết được nên người dân cần thận trọng.
“Gần đây, chúng tôi có tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân bị đau mắt đỏ, rồi tự mua thuốc điều trị. Điều trị mãi không khỏi thì mới đến bệnh viện khám, đến đây thì bệnh đã biến thành viêm màng bồ đào cấp gây giảm chức năng thị giác, thậm chí dẫn tới mù lòa”, BS Trần An nhấn mạnh.
PGS.TS.BS Trần An –PGĐ Bệnh viện Mắt Trung ương |
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… Thời điểm này, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, vệ sinh kém, dùng chung khăn mặt… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.
Người mắc bệnh có biểu hiện đỏ ở mắt, chảy nước mắt, nhức mắt, thậm chí là mờ mắt và cường độ các triệu chứng phụ thuộc vào mức nặng nhẹ của bệnh. Bệnh có thể lây lan trực tiếp khi người bị bệnh ngứa mắt, lấy tay dụi rồi bôi lên quần áo, vật dụng, người không bị bệnh khi chạm phải nếu không rửa tay sạch sẽ mà lại cho tay lên mắt thì sẽ bị lây bệnh. Ngoài ra bệnh còn có cơ chế lây qua đường hô hấp, trong trường hợp virus gây viêm kết mạc họng, hạch, vừa đau mắt đỏ, vừa nổi hạch trước tai. Trường hợp này, bệnh nhân có thể ho, khi ho virus sẽ phân tán theo nước bọt dưới dạng sương ra ngoài, rất khó phòng bị.
Theo BS Trần An, không có chuyện “cháy hàng” thuốc chữa đau mắt đỏ. Bệnh viện cung ứng đủ thuốc điều trị cho bệnh nhân, không thiếu hay khan hiếm thuốc. Bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn có thuốc điều trị đặc hiệu, căn cứ vào phác đồ điều trị của bác sĩ. Còn đau mắt đỏ do virus thì không có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng các loại thuốc chống bội nhiễm, tăng cường dinh dưỡng và khả năng chống đỡ bệnh của mắt.
Không nên tự mua thuốc điều trị
Trước thực trạng bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát như hiện nay, BS.An khuyến cáo người dân nếu bị đau mắt đỏ thì nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị cho đúng. Tránh tình trạng tự mưa thuốc điều trị vì có thể gây hậu quả không mong muốn.
Đối với người bệnh thì trước khi nhỏ thuốc đau mắt cần rửa sạch tay bằng xà phòng hoặc cồn. Tránh những nơi đông người, hạn chế đi bơi. Đối với các dụng cụ dùng để rửa mặt như chậu, khăn mặt, cần giặt sạch bằng xà phòng là tốt nhất, nếu có điều kiện thì nên phơi ra nắng và dùng riêng.
Với những người chưa mắc bệnh thì nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Không dụi tay lên mắt, không nên nhỏ thuốc kháng sinh vào mắt khi không có bệnh. Chú ý không điều trị đau mắt bằng cách chữa dân gian như đắp lá, xông mắt bằng lá trầu không./.