Dạy con làm việc nhà không khó khăn với lời khuyên sau đây!
VOV.VN - Nhiều người trong chúng ta cảm thấy việc dạy dỗ con cái lo toan việc nhà giờ đây không còn cần thiết nữa, khi hàng loạt các dịch vụ lau dọn đang đầy rẫy và cũng vô cùng tiện lợi.
Nhiều người trong chúng ta cảm thấy việc dạy dỗ con cái lo toan việc nhà giờ đây không còn cần thiết nữa, khi hàng loạt các dịch vụ lau dọn đang đầy rẫy và cũng vô cùng tiện lợi. Tuy nhiên, đây là một quan điểm không đúng đắn, bởi điều này sẽ rất dễ dàng khiến con cái của bạn dựa dẩm vào khách quan mà không biết chăm lo cho bản thân và người khác. Ngoài ra, việc có thêm một người cùng bạn lau dọn nhà cửa, chẳng phải sẽ thú vị hơn rất nhiều hay sao. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn khi bắt đầu chỉ dạy cho con về việc nhà.
Giữ một thái độ tích cực
Nếu con bạn thường xuyên phải nghe những câu nói than phiền mệt mỏi về lượng việc nhà bạn phải đối mặt, hay thỉnh thoảng lại là về một chồng bát chưa được rửa đang chờ đợi, thì liệu chúng có còn động lực để suy nghĩ về việc giúp đỡ bạn nữa không? Chắc chắn là không rồi.
Thay vào đó, hãy tập trung xây dựng khía cạnh tích cực của làm việc nhà, kể cả đó có là cọ nhà vệ sinh đi chăng nữa. Bạn có thể nói với con những điều như là: “Mẹ cảm thấy rất thoải mái khi nhìn căn nhà sạch sẽ tinh tươm sau khi dọn dẹp” hoặc “Nếu có thêm con, cuộc vui này có khi còn thú vị hơn rất nhiều.” Bằng cách này, bạn đã đặt được cho con một mục đích để làm việc nhà, giúp con cảm thấy hứng thú hơn so với việc phải trông thấy mẹ mệt mỏi và than phiền.
Coi con cái ngang hàng khi dọn dẹp
Sự thật là lau dọn với trẻ nhỏ hoàn toàn là một thử thách khó khăn, nhưng mọi thứ đều có thể hoàn thành được và hãy nghĩ tới mục tiêu lâu dài hơn. Bạn nên coi con như một người bạn đang giúp đỡ mình dọn dẹp, không chê trách hay làm hộ những công việc của con. Nếu cần góp ý, hãy để đến cuối cùng khi cả hai đã cùng hoàn thành xong nhiệm vụ. Điều này sẽ giúp trẻ tự tin và thoải mái hơn.
Bắt đầu sớm
Thời điểm bạn có thể bắt đầu cho con làm việc nhà là khi chúng biết đi môt cách vững chắc. Bạn hoàn toàn có thể “khởi động” bằng những công việc nhẹ nhàng như nhặt đồ chơi của mình cho vào thùng, hay cùng chúng lau dọn bàn ghế mỗi khi cả nhà ăn xong.
Những đứa trẻ từ 3 đến 10 tuổi rất thích được giúp đỡ cha mẹ và luôn luôn hưởng ứng những lời khen sau đấy, như thể vừa có được một “chiến lợi phầm” gì đó vô cùng đáng quý. Việc này có thể giúp bạn hình thành một tư tưởng trong con rằng việc nhà là một phần trách nhiệm của mình, không chỉ có bố mẹ mới là những người phải hoàn thành chúng.
Đặt những kì vọng hợp lý
Bạn đừng kì vọng ở đứa trẻ 5 tuổi đã phải biết lau nhà đúng cách hay hút bụi phải sạch bong. Một ngày nào đó, nếu bạn không đặt những kì vọng xa vời như vậy, chúng sẽ tự biết cách làm những việc đó và thậm chí còn tốt hơn cả bạn.
Nói rõ và dứt khoát
Đưa hướng dẫn rõ ràng, cụ thể và một cách từ tốn. Nếu bạn nói với một đứa trẻ 2 tuổi rằng “Hãy dọn đồ chơi đi”, thì chắc chắn chúng sẽ không nghe bởi chẳng thể hiểu bạn đang nói gì. Thay vào đó, hãy cụ thể hóa lời hướng dẫn: “Con có thể đứng lên, nhấc chiếc ô tô và tàu hỏa này bỏ vào trong thùng màu nâu kia được không?”, chẳng hạn như vậy. Điều này sẽ giúp bạn giao tiếp với con được hiệu quả hơn và bắt đầu chỉ dạy việc nhà dễ dàng hơn.
Nếu có thể, hãy tạo niềm vui cho con
Hãy bật nhạc thật sôi động hoặc tạo trò chơi khi làm việc nhà. Tùy vào bạn, biện pháp nào cũng được miễn là biến những công việc dọn dẹp nhàm chán này trở nên bớt “việc nhà” đi một chút. “Hãy xem xem ai có thể dọn đồ chơi nhanh nhất trước khi chuông kêu nhé” hoặc “Mẹ đố con dọn hết rác trước khi bài hát dừng lại” đều là những câu nói bạn có thể sử dụng để khích lệ tinh thần làm việc nhà của con.
Chia nhỏ công việc
Nếu việc nhà bạn giao cho con đang quá nhiều, hãy giúp trẻ chia nhỏ công việc đó ra và hướng dẫn từng bước cho chúng. Bạn có thể giúp đỡ ở những công đoạn đầu tiên, sau đó chỉ dẫn cho con để hoàn thành những việc nhỏ tiếp theo, đến khi hoàn thành thì thôi. Qua đó, bạn còn dạy được con rằng nếu muốn làm việc lớn thì phải bắt đầu từ những điều nhỏ./.