Đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang thực sự diễn ra tại các thành phố do tác động của tình trạng đô thị hóa tăng nhanh.
Báo cáo công bố ngày 11/4 của Chương trình Định cư con người LHQ (UN-HABITAT) khẳng định các thành phố là nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm trên toàn cầu.
Tiến sỹ Joan Clos - Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Giám đốc chấp hành chương trình UN-HABITAT cho biết, các thành phố không chỉ là nơi thải ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất, mà còn là nơi có thể giảm khí thải hiệu quả nhất.
Cũng theo ông Joan Clos, nhu cầu cấp bách đối với nhân loại là hiểu rõ hình thức và nội dung của quá trình đô thị hóa để có thể giảm khí thải. Cùng với đó, xây dựng các thành phố bền vững, cung cấp các cơ hội kinh tế và xã hội tốt hơn cho cư dân đô thị trong tương lai.
Việc đô thị hóa nhanh gây ảnh hưởng nhiều tới khí hậu |
Báo cáo "Các thành phố và biến đổi khí hậu" nhấn mạnh các nguyên tắc căn bản để xây dựng đường lối chống biến đổi khí hậu đa đối tác đối với các đô thị. Trong đó khẳng định các chính sách chống biến đổi khí hậu cần tính đến các vấn đề và nhu cầu cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Đồng thời, nói về các cách tiếp cận mới hỗ trợ hành động đa quy mô và đa lĩnh vực để có thể đạt được các mục tiêu phát triển và chống biến đổi khí hậu ở đô thị.
Trong khi đó, nghiên cứu chung giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên (IUCN) công bố ngày 11/4 tại Washington (Mỹ) cảnh báo việc làm khô cạn và suy thoái các khu đất ướt ven biển đã thải vào khí quyển một lượng khổng lồ khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa việc bảo vệ và mở rộng các biện pháp ngăn chặn làm suy thoái; Khôi phục các vùng đất ướt ven biển vào chiến lược giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính; Chống biến đổi khí hậu của mọi quốc gia.
Các số liệu nghiên cứu cho thấy tốc độ suy thoái và biến mất của các vùng đất ướt trên thế giới hiện nay cao gấp 4 lần tốc độ tàn phá rừng nhiệt đới. Trong 25 năm qua, hơn 20% diện tích rừng đước ven biển, tương đương 35.000 km2, đã bị tàn phá./.