Dịch lợn tai xanh xuất hiện tại 8 tỉnh
Tỉnh Điện Biên đã phải tiêu hủy hơn 11.000 con lợn mắc bệnh tai xanh với khối lượng khoảng 355 tấn.
Theo báo cáo của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 19/5, dịch lợn tai xanh đã xuất hiện tại 8 tỉnh gồm Điện Biên, Yên Bái, Nam Định, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Lai Châu. Đặc biệt dịch xuất hiện nhiều tại các tỉnh miền núi phía Bắc, sau đó lây lan rộng. Hiện các địa phương có dịch đang tích cực triển khai công tác dập dịch, không để lây lan nhằm giảm thấp nhất thiệt hại cho các hộ chăn nuôi.
Tại tỉnh Phú Thọ, đến nay dịch lợn tai xanh xảy ra trên địa bàn thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy và xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn với hơn 500 con lợn bị ốm và phải tiêu hủy. Ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các huyện tổ chức tiêm phòng vaccine tai xanh cho toàn bộ đàn lợn tại các xã có dịch, đồng thời, triển khai tiêm phòng vắc xin dịch tả cho đàn lợn tại 25 xã, thị trấn (gồm 2 xã ổ dịch, 7 xã vùng bị dịch uy hiếp và 16 xã vùng đệm tại các huyện: Thanh Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông, Yên Lập), đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin đợt 1/2012 đảm bảo đạt kế hoạch. Ngày mai 21/5, Chi cục Thú y Phú Thọ sẽ có văn bản đề nghị Cục Thú y cho thẩm định để công bố dịch.
Đến thời điểm này, tỉnh Điện Biên đã phải tiêu hủy hơn 11.000 con lợn mắc bệnh tai xanh với khối lượng khoảng 355 tấn. Hiện ngành thú y tỉnh Điện Biên đã hoàn tất việc tiêm phòng 40 nghìn liều vaccine tai xanh do Cục Thú y cấp, đồng thời phun hóa chất khử trùng tại 11 xã của huyện Điện Biên và 7 xã của thành phố Điện Biên Phủ. Chi cục Thú y Điện Biên cho biết: Dịch tai xanh bùng phát chủ yếu là do vận chuyển lợn giống, lợn thịt từ miền xuôi lên không đảm bảo chất lượng, mang mầm bệnh khiến công tác phòng chống dịch bệnh gặp khó khăn và không thể kiểm soát. Bên cạnh đó, do việc chăn nuôi trong phạm vi chật hẹp, mật độ chăn nuôi lớn tập trung ở khu dân cư, vì thế dịch bệnh lây lan rất nhanh. Hơn nữa, ý thức chủ động phòng chống của người dân không tốt, các hộ nuôi giấu dịch cố chữa, đến lúc không chữa được mới báo cho thú y.
Bà Cao Thị Tuyết Lan, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Điện Biên cho biết: “Điện Biên vẫn đang phối hợp với các huyện, thành phố và Ủy ban huyện Điện Biên tích cực triển khai các chốt để ngăn chặn lây lan sang các khu vực chưa bị. Cấm vận chuyển thông qua các đội lưu động tại các vùng dịch không cho ra ngoài các địa bàn khác. Nguy cơ bệnh vẫn còn rất phức tạp vì vừa rồi mới được Trung ương hỗ trợ 40 nghìn liều vác xin, trong khi đó số lượng lợn bệnh còn nhiều hơn số vaccine, nên chỉ tiêm phòng được khoảng 2/3, còn lại chưa tiêm phòng được).
Theo nhận định của ngành chức năng, trong thời gian tới nguy cơ dịch bệnh tai xanh vẫn còn rất lớn do việc vận chuyển lợn giữa các địa phương diễn ra thường xuyên và khó kiểm soát. Tỷ lệ tiêm phòng các bệnh ở gia súc chưa cao bởi còn phụ thuộc vào túi tiền của người dân.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, các đợt nắng nóng lên tới 39 – 42 độ C vừa qua đã làm giảm sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm, đây cũng là nguyên nhân khiến dịch tai xanh bùng nổ. Một nguyên nhân khác dẫn đến việc chống dịch tai xanh vẫn còn gặp khó khăn là do thiếu vaccine./.