Dịch tay chân miệng: Nguy hiểm vì chủ quan

Nhiều bậc cha mẹ chưa nắm rõ thông tin về bệnh này, thậm chí khi con em họ đã nhập viện, họ vẫn không hiểu được vì sao con em họ lại mắc bệnh này

Dịch "tay chân miệng" đã xuất hiện ở 52 địa phương trên cả nước nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chủ quan và chưa nắm rõ thông tin về bệnh này. Chỉ đến khi gia đình có người nhập viện mới chạy đôn, chạy đáo, lo lắng tìm cách chữa bệnh. Đây là nguyên nhân khiến "bệnh tay chân miệng" lây lan nhanh.

Thời gian qua, tại nhiều địa phương như Hòa Bình, Hải Phòng, Bình Dương, Bạc Liêu… nhiều bậc cha mẹ có con nhập viện vì "bệnh tay chân miệng" nhưng vẫn chưa “cắt nghĩa” được vì sao con mình lại mắc bệnh này.

Cũng như nhiều trường hợp khác, do chủ quan của gia đình, cháu Đỗ Văn An nhập viện trong tình trạng các bóng nước phồng to lan khắp cơ thể. Chị Mai Thị Lộc, mẹ cháu An đang trong tâm trạng đứng ngồi không yên. Chị ân hận vì đã không đưa con đến bệnh viện sớm hơn. Chị Lộc cho biết: “Khi tôi tắm cho cháu thì thấy các nốt ở chân tay phồng lên, ban đầu tôi cứ nghĩ cháu bị phỏng dạ, về sau thấy nổi lên cả ở miệng, cho ăn cháu kêu đau không chịu ăn. Tôi cho cháu nghỉ học ở nhà theo dõi nhưng bệnh cứ nặng thêm. Cho cháu nhập viện thì các bác sĩ nói cháu bị bệnh tay chân miệng gì đó phải ở lại để các bác sĩ điều trị. Ở đây mấy ngày rồi nhưng quả thực tôi vẫn không hiểu bệnh tay chân miệng là thế nào”.

Không chỉ chị Lộc mà nhiều bậc cha mẹ cũng không biết cách nhận biết "bệnh tay chân miệng", chỉ đến khi con bệnh nặng mới vội vã chuyển con vào bệnh viện. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP. HCM, 25% trẻ mắc "bệnh tay chân miệng" nhập viện muộn, khi bệnh đã nặng.

"Bệnh tay chân miệng" do virus EV71 gây ra, ban đầu bệnh nhân thường bị đau họng và nổi ban có bọng nước. Ban đầu, nhiều gia đình còn chủ quan, lầm tưởng là bệnh khác cũng có triệu chứng lâm sàng tương tự nên thiếu sự đề phòng cần thiết. Bác sĩ Hoàng Sơn, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện trẻ em Hải Phòng cho biết: Đường lây truyền bệnh tay chân miệng thường từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Giai đoạn lây lan mạnh nhất là tuần đầu tiên bị bệnh, thời kỳ ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày. Hiện nay chưa có phương pháp phòng bệnh đặc hiệu cho "bệnh tay chân miệng". Tuy nhiên, biện pháp vệ sinh chặt chẽ có thể hạ thấp nguy cơ nhiễm bệnh.

Bác sĩ Hoàng Sơn khuyến cáo: “Bệnh tay chân miệng chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ 3 tuổi là đối tượng chiếm đa số vì nó liên quan đến sức đề kháng của trẻ. Những trẻ đó phải được gia đình chăm sóc và phòng bệnh cẩn thận bằng cách thường xuyên làm vệ sinh tay, chân và đồ chơi bởi vì bệnh thường lây qua trung gian. Khi thấy ở trẻ xuất hiện dấu hiệu ban thì phải cho đi khám xem đó có phải "bệnh tay chân miệng" hay không để bác sĩ hướng dẫn cụ thể cách theo dõi cũng như cách điều trị. Bởi nhiều khi những ban tay chân miệng có thể nhầm với thủy đậu, zona hoặc ban dị ứng…”.

"Bệnh tay chân miệng" nguy hiểm nhưng nếu biết cách phòng chống thì hết sức đơn giản. Bản thân các gia đình cần quan tâm làm vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho con em mình cũng như thường xuyên lau sàn nhà, vật dụng bằng thuốc cloramin B. Nếu nhà có trẻ em mắc bệnh, cha mẹ phải đeo khẩu trang cho trẻ, phải khử khuẩn cả chăn màn, quần áo, đồ vật sinh hoạt bằng đun sôi, ngâm trong dung dịch cloramin B. Thực hiện cách ly trẻ, hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người, không cho trẻ đi học hoặc đi bơi. Cùng với đó, các cơ sở y tế cần  đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh trong nhà trường, nhất là khi năm học mới đã bắt đầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên