Đối thoại chính sách về bình đẳng giới
Đối thoại nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nữ vùng sâu xa còn chịu nhiều thiệt thòi so với ở khu vực thành thị.
Sáng 7/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên hiệp quốc tại Việt Nam tổ chức “Đối thoại chính sách về Bình đẳng giới” nhân Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3.
Tại buổi đối thoại, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng về bình đẳng giới tại Việt Nam như: An sinh xã hội với lao động nữ nông thôn; các giải pháp nâng cao quyền năng của phụ nữ nông thôn; đảm bảo quyền và lợi ích cho phụ nữ nông thôn, những hoạt động can thiệp của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhằm hỗ trợ phụ nữ nông thôn; trao đổi về bình đẳng giới, đặc biệt là đối với nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam…
Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ Trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội khẳng định: Đảng và nhà nước Việt Nam đã và đang quyết tâm thực hiện bình đẳng giới một cách thực chất thông qua việc hoàn thiện khung luật pháp, tăng cường lồng ghép giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015. Hiện, Phụ nữ Việt Nam chiếm 48% trong tổng số lao động có việc làm. 33% các Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ có nữ lãnh đạo chủ chốt.
Tuy nhiên, khoảng cách giới vẫn tồn tại mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhận thức về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới của người dân còn hạn chế. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em nữ vùng sâu xa còn chịu nhiều thiệt thòi so với ở khu vực thành thị về cả cơ hội học tập, việc làm, cơ hội thông tin và thụ hưởng các thành quả của công cuộc đổi mới đất nước.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại hội nghị: “Tôi tin tưởng rằng những kết quả trao đổi sẽ cung cấp thêm thông tin nhằm đưa ra đề xuất về những chính sách, đảm bảo sự thay đổi về bình đẳng giới tại Việt Nam, đặc biệt trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách quốc gia về bình đẳng giới trong thời gian tới”./.