Đưa những từ ngữ "chat" nghiêm túc vào từ điển?
Có những loại giao tiếp nghiêm chỉnh cần phải viết ngắn gọn, lâu dần tạo thành thói quen cho mọi người
Gần đây, có báo đưa tin về việc đưa “ngôn ngữ chat” vào từ điển. Ý tưởng này đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên các báo với nhiều ý kiến trái chiều. Báo TNVN có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Đức Dân - người được nêu là đã đưa ra gợi ý này.
PV: Thưa GS, liệu ý tưởng này của ông có “xé rào” để giới trẻ chính thức được sử dụng “ngôn ngữ chat”?
GS.TS Nguyễn Đức Dân: Tôi muốn thanh minh lại rằng, ý của tôi là không phải tất cả “ngôn ngữ chat” đều được đưa vào từ điển, mà chỉ một bộ phận “ngôn ngữ chat” nghiêm chỉnh thôi. Mối quan hệ giữa những người "chat" dẫn tới đặc điểm văn hoá của "ngôn ngữ chat". Khi những người quen biết có quan hệ bạn bè, gia đình, thầy trò, đồng nghiệp, bạn hàng… chat với nhau thì “ngôn ngữ chat” được dùng đúng những chuẩn mực văn hoá - xã hội.
Khi chat với nhau cần nhanh thì họ sẽ có cách viết tắt. Lâu dần, những từ ngữ đó có thể được xã hội chấp nhận. Nhưng đối với những cuộc chat mà phần lớn những người chat dùng nickname - biệt danh và không biết nhau thì đây là những giao tiếp không cần có không gian văn hoá về tôn ti, thứ bậc tuổi tác, vị trí xã hội, nhu cầu lịch sự… Lúc đó, họ thường “chat” với ngôn ngữ thông tục, tiếng Việt cũng bị biến dị. Xã hội hiện rất dị ứng với loại “ngôn ngữ chat” nhảm nhí này.
PV: Xuất phát từ cơ sở nào mà GS nêu ý kiến đưa những từ ngữ chat nghiêm chỉnh vào từ điển?
GS.TS Nguyễn Đức Dân: Đây không phải là ý tưởng mới, thực ra “ngôn ngữ chat” được nhiều nước nghiên cứu, thử nghiệm. Ví dụ New Zealand trước đây họ cũng cấm nhưng sau họ nghiên cứu những “ngôn ngữ chat” và những ngôn ngữ trong tin nhắn mà học sinh được quyền dùng khi "chat" hay làm bài. Trung Quốc đang nghiên cứu đưa một số “từ chat” vào sử dụng như từ ngữ thông thường. Tuy nhiên, theo tôi, yếu tố quyết định để đưa một từ ngữ nào vào từ điển không phải là dựa vào tần số xuất hiện, vì có những từ ngữ làm hỏng tiếng Việt thì dù từ đó được sử dụng nhiều cũng không thể đưa vào.
Trước tiên, “ngôn ngữ chat” có nhiều loại khác nhau tùy mục đích giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp. Do nhu cầu thông tin nhanh trong khi chat dẫn tới hiện tượng rút gọn cả về ngữ pháp lẫn từ vựng; xuất hiện những từ tắt chính quy và không chính quy. Có những loại giao tiếp nghiêm chỉnh cần phải viết ngắn gọn, lâu dần tạo thành thói quen cho mọi người thì chúng ta nên đưa vào từ điển, chứ không phải đưa tất cả những "ngôn ngữ chat" nhảm nhí vào từ điển được.
PV: Vậy, trước tình trạng méo mó, biến dạng của “ngôn ngữ chat”, theo GS chúng ta cần phải làm gì để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?
GS.TS Nguyễn Đức Dân: Theo tôi, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cần được cả xã hội quan tâm, mà trước hết là lãnh đạo cao cấp, quan chức địa phương… cần làm gương ngay trong giao tiếp, văn bản hằng ngày. Nhà nước cũng cần quan tâm để có chính sách cụ thể, ví dụ như: công chức phải viết đúng, nếu viết sai không được tuyển dụng. Nếu việc làm “méo” tiếng Việt có thể ảnh hưởng đến công việc, đường thăng quan tiến chức… thì mọi người sẽ thận trọng hơn trong cách sử dụng tiếng Việt.
Bên cạnh đó, dư luận xã hội cần lên án mạnh mẽ những xu hướng làm biến dị tiếng Việt. Riêng đối với việc đưa “ngôn ngữ chat” nghiêm túc vào Từ điển tiếng Việt sẽ không ảnh hưởng gì, vì hiện nay, chúng ta cũng đã có nhiều từ tắt được xã hội chấp nhận như: Liên Hợp quốc (LHQ), ASEAN (Hiệp Hội các nước Đông Nam Á), ISO (tên viết tắt của Tổ chức Quốc tế về tiêu chuẩn hoá), WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), WHO (Tổ chức Y tế Thế giới)…/.
Xin cảm ơn Giáo sư!./.
TS. Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Có thể đưa vào từ điển nếu đảm bảo 2 tiêu chí... Ngôn ngữ gắn với quá trình phát triển của xã hội, không có ngôn ngữ "chết", cũng không có ngôn ngữ tồn tại mãi mãi được. Tiếng Việt cổ của chúng ta khác với tiếng Việt hiện nay rất nhiều. Trong quá trình phát triển ngôn ngữ, thế hệ sau phải kế tiếp không được loại bỏ, mỗi thế hệ phải có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt. Tiếng Anh "pha" tiếng Việt hiện nay được dùng khá nhiều, chúng ta nên hạn chế, cố gắng sử dụng tối đa từ Việt. Trong những văn bản chính thức thì ngôn ngữ phải chuẩn mực, sử dụng tiếng Việt trong sáng. Theo tôi, đưa vào từ điển những từ ngữ phản ánh sự phát triển của xã hội cũng được, nhưng phải đảm bảo sự trong sáng và bản sắc của dân tộc Việt Nam. Nếu từ ngữ “chat” nào có thể đáp ứng được 2 tiêu chí trên thì có thể đưa vào, chứ không nên chối bỏ. Nick name Nguyễn Thị Khuyết (giáo viên): Tôi muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt Tôi là một giáo viên, có những lần tôi nhận được tin nhắn, email của học trò và không thể đọc được vì các em dùng “ngôn ngữ chat”. Tôi đã rất ngạc nhiên và có phần bực bội về những học trò đó. Thử tưởng tượng đến lúc các em đó ra trường, viết một lá đơn xin việc bằng tay và chen vào một vài từ với “ngôn ngữ chat” thì nhà tuyển dụng sẽ thấy thế nào nhỉ? Tôi yêu tiếng Việt, tôi rất muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nick name Lâm Thủy: Không thể được! Trong khi tất cả mọi người thực hiện theo mong muốn của Bác Hồ là “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” thì lại có ý kiến đưa “ngôn ngữ chat” vào từ điển. Đó chỉ là loại biến thể của thứ tiếng lóng mà một bộ phận giới trẻ dùng để tán gẫu với nhau. Nếu đưa vào như thế thì chẳng lẽ thế hệ trẻ sau này sẽ được học “ngôn ngữ chat” trong nhà trường? Rồi sau này biết đâu sẽ có một dân tộc “ngôn ngữ chat” xuất hiện? Nick name Văn Quang: Nên có riêng từ điển chat Internet đã sinh ra một môi trường giao tiếp mới, ngữ cảnh mới và tất nhiên những từ vựng mới cho riêng nó. Nếu thấy có hứng thú với cái thứ ngôn ngữ đó thì theo tôi nên cho xuất bản riêng một loại từ điển: Từ điển chat (hay ngôn ngữ chat) chẳng hạn. |