“Dừng đèn đỏ chứng tỏ văn minh!”

(VOV) - Suốt 7 năm qua, ông Chiêng bắc loa đi đến từng ngõ xóm cảnh báo tai nạn giao thông.
 

Hiệp sĩ giao thông với “đài phát thanh” đặc biệt

Sinh năm 1951, từng là một người lính chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau hòa bình lập lại, ông Phạm Ngọc Chiêng ở thôn Thị Tứ, xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa trở về quê hương với thương tật 4/4. Với tinh thần người lính cụ Hồ, ông không cho phép bản thân nghỉ ngơi dù chỉ một ngày. Ngoài việc làm kinh tế gia đình, ông đồng thời tích cực tham gia các hoạt động công tác, xã hội ở địa phương.

 
 "Hiệp sĩ giao thông" Phạm Ngọc Chiêng

Năm 2005, tình hình giao thông ở địa phương trở nên phức tạp. Nhiều ngã ba, ngã tư, đặc biệt là khu vực ngã tư Thị Tứ trở thành “điểm đen” về tai nạn giao thông với nhiều vụ va quệt dẫn đến chết người. Chứng kiến nhiều tai nạn thương tâm, nhiều đêm ông trằn trọc không thể chợp mắt với ý nghĩ cần phải làm gì đó để góp sức mình cùng xã hội giảm bớt những đau thương, mất mát do tai nạn giao thông gây ra.

Cuối cùng, ông quyết định dùng khoản tiền trợ cấp thương binh ít ỏi của mình để sắm một đôi loa 50W của hãng Hàn Quốc, micro, kích điện, điện thoại di động, chuẩn bị cho công tác tuyên truyền an toàn giao thông.

Khi đã có những vật dụng cần thiết, ông bắt tay vào công tác hoàn thiện “đài phát thanh đi động”. Để chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là luật An toàn giao thông (ATGT) trở nên dễ hiểu, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, ông Chiêng đã sáng tạo một cách tuyên truyền “đặc biệt”. Bằng giọng văn hóm hỉnh nhưng mộc mạc, dung dị, ông viết bài, sáng tác thơ tuyên truyền an toàn giao thông để bà con dễ hiểu, dễ nhớ. Đồng thời ông sưu tầm thêm những tài liệu ATGT do Công an huyện Triệu Sơn cung cấp, sau đó ông đọc lại và thu qua điện thoại di động, cuối cùng là chuyển vào máy tính, lồng ghép thêm nhạc để nội dung tuyên truyền thêm sinh động.

Ông hồn nhiên đọc lại những khẩu hiệu dễ nhớ do ông sáng tác như: “Dừng đèn đỏ chứng tỏ văn minh”,

“…Muốn cho hạnh phúc an lành
Lái xe ta chớ phóng nhanh đua tài
Cuộc đời ta chớ phí hoài
Lái xe uống rượu là sai yêu cầu
Giao thông ta nhớ nhường nhau
Là nét văn hóa, là câu ghi lòng..”.

Cựu chiến binh tình nguyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

Từ năm 2005, ngày nào cũng vậy, ngày làm việc của ông bắt đầu từ 5h sáng, ông Chiêng lại lọ mọ chuẩn bị loa phóng thanh, micro, kích điện chằng buộc cẩn thận trên chiếc xe Wave cà tàng. Cứ như vậy, ông cùng chiếc xe rong ruổi trên khắp con đường làng, ngõ xóm, đặc biệt là ngã ba, ngã tư, cổng trường học để tuyên truyền ATGT một cách tự nguyện. Kết thúc ngày làm việc của ông cũng là lúc trời đã tối mịt.

 
 Ông Chiêng nhận danh hiệu Hiệp sĩ giao thông trong chương trình radio thực tế “Total- Hiệp sĩ Giao thông”

Ban đầu, thấy ông Chiêng ngày ngày lọ mọ với đống đồ nghề, vợ con ông ngăn cản một cách quyết liệt, khuyên ông đến tuổi “gần đất xa trời” rồi thì nên ở nhà nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu. Thấy vậy, mọi người cũng xì xào cho ông là “khùng”, là “điên”, thích “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

Bỏ qua những lời qua tiếng lại, ông Chiêng tâm sự: “Bác Hồ vẫn thường dạy rằng, bộ đội cụ Hồ lúc thuờng cũng như lúc chiến đấu, lúc trẻ thì chiến đấu, xây dựng quê hương, đến tuổi này rồi tôi muốn góp một chút công sức nho nhỏ, cảnh báo an toàn giao thông đến mọi nguời, mang lại hạnh phúc, bình yên cuộc sống. Nên dù ai nói gì, tôi vẫn quyết tâm làm”.

Một tháng ba mươi ngày, hình ảnh người cựu chiến binh cùng với đống đồ nghề lỉnh kỉnh, trên chiếc xe máy cà tàng đi khắp đường liên thôn, liên xã “phát thanh” nội dung an toàn giao thông đã trở nên quen thuộc với người dân xã Dân Lực.

Thấy được hiệu quả từ cách tuyên truyền “đặc biệt” của cựu chiến binh già, bà con bắt đầu nhìn ông với ánh mắt biết ơn và hết lòng ủng hộ. Nhiều người còn hỗ trợ cả phương tiện để ông có điều kiện tiếp tục duy trì công việc của mình.

7 năm ròng rã, trời nắng cũng như mua, ông Chiêng đều không vắng mặt. Công sức và tâm huyết của ông cuối cùng đã ghi nhận được nhiều kết quả đáng mừng. Những sự thật về hậu quả tai nạn giao thông ngay trong xã được ông thông tin khiến người dân ý thức hơn về việc tham gia giao thông hàng ngày. Ông khoe: “tình hình giao thông trên địa bàn xã Dân Lực trong 7 năm qua giảm thiểu rõ rệt. Từ năm 2005 – 2008, trên toàn xã có 12 – 13 vụ chết nguời vì tai nạn giao thông, từ năm 2008 – 2010, đã giảm còn 5 vụ, 2011 còn 2 vụ. Đặc biệt năm 2012, trên địa bàn xã chưa xảy ra vụ tai nạn nào”.

Ghi nhận những đóng góp thiết thực của ông. chương trình Hiệp sĩ giao thông phát sóng hằng tuần trên VOH, VOV (Đài tiếng nói Việt Nam) đã vinh danh ông Chiêng là “Hiệp sĩ giao thông”.

Khi được hỏi, ông làm công tác tuyên truyền tự nguyện đến bao giờ? Ông Chiêng vui vẻ nói: “Khi nào đi gặp các cụ Các Mác, Lê Nin thì tôi mới dừng!”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ra mắt chương trình “Hiệp sĩ giao thông”
Ra mắt chương trình “Hiệp sĩ giao thông”

Chương trình phát thanh góp phần nâng cao tinh thần nghĩa hiệp của người dân trong ứng cứu sự cố, tai nạn.

Ra mắt chương trình “Hiệp sĩ giao thông”

Ra mắt chương trình “Hiệp sĩ giao thông”

Chương trình phát thanh góp phần nâng cao tinh thần nghĩa hiệp của người dân trong ứng cứu sự cố, tai nạn.

Vinh danh 11 Hiệp sĩ Giao thông
Vinh danh 11 Hiệp sĩ Giao thông

(VOV) -Đây là những người có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, giữ gìn trật tự đường phố, bảo đảm an toàn giao thông.

Vinh danh 11 Hiệp sĩ Giao thông

Vinh danh 11 Hiệp sĩ Giao thông

(VOV) -Đây là những người có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, giữ gìn trật tự đường phố, bảo đảm an toàn giao thông.