Những ngày cuối tháng chạp năm 2012, trong cái rét mướt, những hạt mưa lất phất của tiết trời đông Hà Nội khiến cho không khí càng trở nên tê tái. Ngoài đường, dòng người vẫn đang nô nức đi sắm tết, nhưng “xóm chạy thận” (nằm sâu trong con ngõ 121 Lê Thanh Nghị, đối diện Bạch Mai) vẫn yên tĩnh như vốn có.
Những dãy nhà cấp bốn xập xệ, tồi tàn, tối tăm, ẩm thấp là nơi cư ngụ của hơn 100 con người mắc bệnh thận đến từ tứ xứ. Họ ví thân mình như cây tầm gửi, sống nhờ vào người thân, gia đình, bác sĩ. Sự sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào những đợt chạy thận nhân tạo. Với họ, cuộc sống mưu sinh cơm áo dù khó khăn đến mấy cũng không dập tắt được lòng ham sống mãnh liệt. Vì thế mà hơn 100 con người ấy đã chọn cách quần tụ tại xóm trọ, cách bệnh viện vài chục mét, để thuận tiện cho việc kéo dài sự sống.
Trên chiếc giường cao chênh vênh vì phải kê tới 4 viên gạch để khỏi ẩm thấp, chị Hoàng Thị Tuất (ở Thị trấn Mường Khến – huyện Tâm Lạc – tỉnh Hòa Bình) đang loay hoay nhích từng tí một về phía cây nạng gỗ. Mắm chặt môi để lấy sức kéo lê cả thân mình, trông chị vốn đã xanh xao nay càng thêm tiều tụy. Chị cho biết, cách đây vài ngày chị đi lên bậc thềm từ nhà ra ngõ, chẳng may xảy chân bị ngã. Cú ngã khiến chân chị bị trật khớp, giãn dây chằng, phải nẹp chân trong 6 tuần. Vì thế mà năm nay chị lại một mình đón cái Tết xa nhà.
|
Chị Hoàng Thị Tuất (Ở Thị trấn Mường Khến - huyện Tâm Lac - tỉnh Hòa Bình) đang loay hoay nhích từng tí một về phía cây nạng gỗ
|
Có thâm niên 12 năm chạy thận, từ lâu chị đã xem nơi đây là ngôi nhà thứ hai. Bao nhiêu năm sống bằng thận nhân tạo là bấy nhiêu năm chị chưa có một cái Tết trọn vẹn. Nghe câu chuyện éo le của chị chẳng ai kìm được nước mắt.
Chị vốn là cô giáo tiểu học, đã có hai cô con gái xinh xắn, đứa bé nhất mới được 6 tháng tuổi. Hạnh phúc sẽ thật tròn đầy nếu như chị không mắc phải căn bệnh như “án tù chung thân” với bệnh viện. Cầm kết quả suy thận giai đoạn cuối trên tay, tất cả như sụp đổ trước mắt chị. Tính mạng bị đe dọa từng ngày, chị đau đớn nhìn đứa con thơ đang khát sữa, đành khăn gói lên Hà Nội chữa bệnh.
Đều đặn, cứ 72 giờ đồng hồ, chị lại đến viện lọc máu một lần, thải ra những độc tố có thể giết chết chị bất cứ lúc nào. Một tuần 3 lần, đều như vậy suốt hơn chục năm qua, tới giờ, chị bảo không nhớ hết bao nhiêu mũi truyền vào người. Mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nên việc điều trị hết sức tốn kém. Mặc dù được bảo hiểm y tế hỗ trợ 95%, nhưng với bệnh nhân phải gắn bó cả đời với bệnh viện như chị thì mức 5% chi trả cũng là một con số quá lớn. Chi phí mỗi tháng chị đều phải chi thêm ngót nghét triệu bạc tiền các loại thuốc hỗ trợ như: tăng hồng cầu, sắt, đạm… chưa kể tiền thuê nhà, ăn uống… tất cả đều đắt đỏ khi bị bệnh không kiếm ra tiền.
Đã không ít lần chị rơi vào tuyệt vọng, tính đến chuyện bỏ về quê phó thác vào số phận.
Dẫu biết rằng, bệnh sẽ chẳng bao giờ khỏi, nhưng những con người ở xóm chạy thận vẫn gắng sức chạy chữa với hy vọng "còn nước, còn tát". Chị kể, năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 10 là chị bị ám ảnh bởi nỗi sợ mang tên bảo hiểm y tế dành cho người nghèo. Bởi với chị, thẻ bảo hiểm như thẻ sống. Trong khi, bảo hiểm cho người nghèo mà chị đang hưởng phải bình xét theo năm. “Đối với nhiều người số tiền đó không thấm vào đâu, nhưng với tôi thì đó là cả cuộc sống. Mỗi khi đêm về, tôi lại bị ám ảnh, không biết ngày mai mình có được sống không?”, chị Tuất tâm sự.
Đau đớn không dừng lại ở bệnh tật, cuộc sống khắc nghiệt, giành sự sống cũng đủ làm họ mệt mỏi. Những biến chứng đến tim mạch, khớp, dạ dày… khiến người chạy thận dường như không còn chút sức lực để mưu sinh.
|
Bà Mai Thị Hạnh (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) với những vết tích của bạo bệnh
|
Nhưng rồi niềm khát sống khiến chị không ngừng nuôi hy vọng. Bởi theo chị, bĩ cực, khó khăn lắm cũng đã vượt qua được thì cần phải sống tiếp, sống vui vẻ, lạc quan để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Ngày Tết, chị thường đưa các con đi chơi, thăm hỏi họ hàng. Song, 12 năm nay giấc mơ tưởng chừng quá giản đơn ấy đã theo giường bệnh trở thành miền ký ức xa xăm trong lòng chị. Chỉ vào giỏ quà có chai dầu ăn, gói mứt, bánh chưng mà đoàn tình nguyện vừa biếu, chị cười: “Tết của tôi đây”. Một năm nữa lại sắp qua đi, nhưng với người phụ nữ ấy, chị đã có thêm một thời gian để sống và yêu thương.
Xa xăm ngày về
Bà Mai Thị Hạnh (70 tuổi, ở xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tình Hưng Yên), hàng xóm của chị Tuất cũng ở lại xóm chạy thận, thay vì về quê như mọi năm. Bởi năm nay, sức khỏe bà yếu đi trông thấy, không đủ sức vượt cả chặng đường dài về quê ăn Tết.
Chồng là liệt sĩ, cô con gái duy nhất đi lấy chồng, đẻ được 4 đứa con, nên hàng chục năm nay bà vò võ một mình. Ở cái tuổi đáng ra được hưởng an nhàn, ai ngờ bà bị suy thận mãn tính, lấy bệnh viện làm nhà. Hơn chục năm nay, bà góp mặt ở xóm chạy thận. Căn phòng trọ chưa đầy 10m2, đủ kê hai chiếc giường, bà ở cùng với một người bạn già chạy thận. Mỗi tháng, tiền phòng và tiền điện, nước là 900.000 đồng. Tiền chạy thận trông cậy cả vào sổ bảo hiểm dành cho gia đình chính sách, được hỗ trợ 100%.
Để có tiền sinh hoạt, trước kia bà làm đủ thứ nghề từ bán hàng mã ngoài chợ, cho đến nhặt ve chai. Gặp được hôm bán nhiều hàng, bà cũng kiếm được 2 chục nghìn, cóp nhóp lấy tiền sinh sống qua ngày. Nhưng mấy năm gần đây, sức khỏe suy yếu, chân tay không còn được nhanh nhẹn như trước, bà đành ở nhà nhờ cậy vào nguồn chu cấp từ con cháu.
Tâm sự với chúng tôi, bà cho biết có lẽ phải tính đường về quê chờ chết vì không còn khả năng xoay tiền để chạy thận. “Bắt đầu từ năm nay, chính sách mới không hỗ trợ 100% tiền bảo hiểm, gia đình chính sách phải chi trả 20%, như vậy là mỗi tháng tôi phải đóng hơn một triệu tám tiền viện phí. Thế này thì làm sao chúng tôi kham nổi”, bà Hạnh tâm sự.
|
Nói về Tết, bà Hạnh cười: "Đã có cái bánh chưng các cháu tình nguyện mang tới biếu rồi"
|
Đối với bà, hàng chục năm sống đơn độc một mình, nhưng mỗi khi Tết đến xuân về, nhìn thấy các gia đình được đoàn tụ, bà không khỏi chạnh lòng. Bà kể, mấy đêm nay, đêm nào bà cũng mơ được về quê ăn Tết, chia đồng quà, tấm bánh cho các cháu ở quê.
Nói về Tết, bà cười: “Đã có cái bánh chưng các cháu tình nguyện mang tới biếu rồi”.
Đối với bệnh nhân chạy thận nơi đây, Tết đoàn viên vốn đã không còn tròn vẹn. Vì căn bệnh quái ác này không cho phép người ta rời xa bệnh viện quá 3 ngày. Những bệnh nhân ở các tỉnh lân cận Hà Nội chỉ tranh thủ về quê ăn Tết 1 ngày, hôm sau lại lên Hà Nội để lọc máu. Với những ai ở xa thì đường về quê đối với họ còn thăm thẳm xa.
Xếp cẩn thận mấy gói bánh mà đoàn từ thiện tới biếu từ mấy ngày trước, ông Nguyễn Văn Tấn (72 tuổi) cười nói: “Người ta biếu tôi, nhưng tôi để dành làm quà Tết cho mấy đứa cháu ở quê. Quê tôi ở Bắc Giang, nên còn sức khỏe, tôi đều về quê ăn Tết. Mỗi dịp cuối năm, khi Tết đến xuân về, cư dân trong xóm chúng tôi lại càng cảm thấy cô độc hơn bao giờ hết. Nhiều người lo lắng không biết năm sau có còn gặp lại nhau nữa không?”.
Tâm sự của ông cũng là nỗi lòng của nhiều người cùng cảnh ngộ. Ở nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh, tình người lại thêm thắm lại. Dẫu cái Tết với họ không hoa đào, cây quất, không sung túc như trong ký ức, nhưng dù được đón Tết ở đâu, với họ mỗi phút giây được sống đều trở nên quý giá vô cùng./.