Ghép tạng ở Việt Nam không thua kém so với thế giới
(VOV) -Hiện nay, Việt Nam đã thành công trong ghép thận, gan, tim và đang tiến tới ghép phổi, tụy cho bệnh nhân.
Ghép tạng là thành tựu nổi bật nhất của y học thế kỷ 20, mở ra cơ hội sống cho những người bệnh suy tạng giai đoạn cuối.
Ghép tạng được thế giới nghiên cứu từ thế kỷ 19. Những năm đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học Mỹ đã ghép tạng ở động vật thành công.
Trường hợp ghép thận thành công đầu tiên ở người được thực hiện ở Mỹ vào năm 1954, sau đó đến ghép phổi vào năm 1962, ghép gan năm 1963. Năm 1967, bệnh nhân ghép tim đầu tiên được thực hiện ở Nam Phi.
Ở châu Á, những nước đi đầu trong lĩnh vực ghép tạng là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Ðộ...
Một ca ghép tạng ở Bệnh viện Việt Đức |
Ở Việt Nam, từ năm 1965, Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Tùng đã nghiên cứu ghép tạng và năm 1966, thực hiện thành công ghép tạng ở động vật. Tuy nhiên, phải đến năm 1992, Việt Nam mới thành công ghép thận ở người, năm 2004 ghép gan, năm 2010 ghép tim.
Đến nay, Việt Nam có 12 trung tâm ghép thận, 4 trung tâm ghép gan và 3 trung tâm ghép tim. Hiện cả nước có khoảng 10.000 người suy thận cần được ghép thận, hàng nghìn người cần được ghép tim, gan. Tuy nhiên, từ khi Việt Nam bắt đầu ghép tạng đến giờ, mới có hơn 600 trường hợp được ghép thận, 29 trường hợp ghép gan và 7 trường hợp ghép tim. Trong 29 trường hợp ghép gan thì có 12 trường hợp ghép ở người lớn.
Thành công đầu tiên trong ghép tạng ở BV Việt Đức
Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Ðức là đơn vị đi đầu trong việc ghép tạng và lấy tạng từ người cho chết não. Cuối năm 1999, BV Việt Đức bắt đầu ghép thận. Đến năm 2007, bệnh viện ghép gan và ghép tim từ năm 2011.
Đến nay, BV đã được người nhà của 12 người bệnh chết não cho tạng, bệnh viện đã ghép cho 23 người nhận thận, 8 người nhận gan, 5 người nhận tim, 4 người nhận van tim. Ngoài ra, BV cũng đã ghép 3 gan và 116 thận lấy từ người cho sống.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS), bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức cho biết: Chị Nguyễn Thị Nhâm, ở Hà Nội là bệnh nhân người lớn đầu tiên tại Việt Nam được tập thể cán bộ BV Việt Đức thực hiện thành công ca ghép gan.
Trước khi ghép gan, bệnh nhân có tiền sử viêm gan B, huyết áp thấp và thấp khớp, kèm theo xơ gan và ung thư gan.
Sau khi thực hiện ghép gan được hơn 5 năm, các bác sĩ khám lại cho chị Nhâm đều thấy các chỉ số xét nghiệm hoàn toàn bình thường.
Là chỉ huy trưởng của ca ghép gan đầu tiên, bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết vẫn còn nhớ như in những sự cố, vấn đề gặp phải của ca ghép đầu tiên: “Gần 2 tháng sau khi ghép gan thì chị Nhâm có những biểu hiện sốt, mệt mỏi nhưng lúc đó, chúng tôi cũng không có kinh nghiệm nên phải theo dõi rất cẩn thận và chẩn đoán rất tỉ mỉ. Một điều nữa là chúng tôi chưa thể lấy sinh thiết được bằng kinh nghiệm. Bằng kiến thức đã đọc trên sách vở cũng như trao đổi với các chuyên gia nước ngoài thì các bác sĩ kết luận đó là hiện tượng thải ghép nên đã cho bệnh nhân uống thuốc chống thải ghép”-bác sĩ Quyết tâm sự.
Từ một bệnh nhân xơ gan, ung thư gan và theo chẩn đoán của nhiều bác sĩ, khả năng sống của bệnh nhân Nguyễn Thị Nhâm chỉ kéo dài được nửa năm. Tuy nhiên, thành công của ca ghép gan đã giúp bệnh nhân Nhâm có được một cuộc sống, sinh hoạt bình thường như hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết, thành công của những ca ghép tạng ở BV Việt Đức nói riêng và những BV khác đã chứng minh, kỹ thuật ghép tạng của các bác sĩ Việt Nam không hề thua kém so với nhiều nước trên thế giới.
Hãy để cái chết bắt đầu một sự sống
Một người cho tạng có thể ghép được 1 quả tim, 1 cái gan, 2 quả thận và 1 cái tụy cho những bệnh nhân khác nhau.
Nếu một bệnh nhân bị suy thận mà không có thận để ghép thì cứ 2-3 ngày, họ lại phải đến BV để chờ ghép thận nhân tạo. Như vậy, những bệnh nhân bị suy thận phải thường xuyên phải nằm viện. Còn những bệnh nhân bị suy gan, ung thư gan, suy tim, sự sống của của họ như “ngàn cân treo sợi tóc” và họ cũng trong tình trạng thấp thỏm mong chờ có người cho tạng để ghép. Còn nếu có thận để ghép thì sau khi phẫu thuật, họ có thể sống và làm việc như những người bình thường khác.
Mặc dù đã đạt được những thành công trong việc ghép tạng nhưng PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết trăn trở nhất trong việc ghép tạng hiện nay là không có tạng để ghép.
Ở nhiều nước trên thế giới có thể lấy tạng của người chết não mà không cần phải hỏi thân nhân của người chết. Vì vậy, những bệnh nhân không may mắc bệnh sẽ có nhiều cơ hội được ghép tạng hơn.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết |
Còn ở Việt Nam, mặc dù Luật Cho hiến tạng đã được Quốc hội thông qua, Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo dưới Luật nhưng vẫn rất ít người hiến tạng. Nhiều gia đình của bệnh nhân chết não không đồng ý hiến tạng cho BV.
Ở BV Việt Đức, mỗi năm có khoảng 1.000 bệnh nhân bị tai nạn giao thông bị chết não nhưng gia đình của họ không đồng ý hiến tạng của người thân. Nhu cầu ghép tạng ở nước ta rất lớn, nhưng vì nguồn tạng trong nước ít, nên nhiều người phải ra nước ngoài ghép tạng. Do giá ghép tạng ở nước ngoài đắt nên bệnh nhân muốn ghép tạng sẽ rất tốn kém, mất thời gian, công sức đi lại.
Bác sĩ Quyết cho biết: “Chỉ cần có bệnh nhân cho tạng, vì sức khỏe của bệnh nhân nên bất kể lúc nào, BV Việt Đức cũng có thể ghép cho bệnh nhân”.
Ngoài thiếu nguồn tạng, việc bố trí, tổ chức một ca ghép tạng cũng rất khó khăn do điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị ở nước ta còn thiếu thốn.
Ở các nước trên thế giới, nhiều BV ghép tạng đã có máy làm đá nên khi phẫu thuật cho bệnh nhân, bác sĩ chỉ cần đổ nước vô trùng vào là thành đá ngay. Tuy nhiên, hiện BV Việt Đức chưa có máy làm đá nên mỗi ca thực hiện phẫu thuật phải đập đá và để ở điều kiện vô trùng.
Mặc dù trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng với lòng yêu nghề, trách nhiệm với công việc và tình thương bệnh nhân như người nhà, cán bộ, bác sĩ của BV Việt Đức đã cố gắng hết sức để đem lại sự sống cho những bệnh nhân ghép tạng.
Được nhìn thấy bệnh nhân được chữa trị, hồi phục sức khỏe và trở lại cuộc sống bình thường là niềm vui rất lớn của các y, bác sĩ BV Việt Đức.
“Khi một người không may từ giã cõi đời mà có thể mang lại cuộc sống ý nghĩa cho những người trọng bệnh, hàng giờ, hàng phút luôn phải chiến đấu với bệnh tật để dành lại sự sống thì đó là một điều vô cùng ý nghĩa và thiêng liêng”.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết cũng như tập thể bác sĩ BV Việt Đức kêu gọi người dân hãy hiểu ý nghĩa của câu nói trên. Tập thể cán bộ, bác sĩ BV luôn sẵn sàng đón nhận, mong có thêm nhiều người hiến tạng để cứu sống những bệnh nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo. Những gia đình của bệnh nhân không may bị chết não hãy vì sự sống của nhiều người bệnh khác mà nên đồng ý cho bệnh viện lấy tạng người thân của mình.
Mỗi ca ghép gan phải mất trung bình 10-12 giờ, ghép tim 4-5 giờ, ghép thận mất khoảng 2 giờ. Việc ghép tạng ở Việt Nam có chi phí chỉ bằng 1/4 so với thế giới. Bệnh nhân có bảo hiểm y tế cũng được cấp phát thuốc để chống thải ghép.
Tuy ghép tạng ở Việt Nam rẻ hơn so với nhiều nước khác nhưng trong những bệnh nhân cần ghép tạng, không phải ai cũng có thể chi trả các khoản tiền phẫu thuật và thuốc chữa trị. Vì vậy, ngoài mong muốn có thêm nguồn tạng để ghép cho bệnh nhân, các bác sĩ ở BV Việt Đức rất mong nước ta có bảo hiểm y tế toàn dân để hỗ trợ phần nào cho những các bệnh nhân ghép tạng.
Với những thành công trong ghép thận, gan và tim, để cứu chữa cho nhiều bệnh nhân cần ghép tạng, bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết cho biết, bệnh viện Việt-Đức đang nghiên cứu và không ngừng học hỏi những thành tựu của y học thế giới để sắp tới tiến hành ghép phổi, ghép tụy cho những bệnh nhân bị mắc bệnh hiểm nghèo./.