Giam giữ phạm nhân chuyển giới ở đâu?
VOV.VN - Phạm vi quy định của luật pháp hiện hành chưa đề cập nhiều đến người chuyển giới
Thời gian gần đây, tội phạm là người chuyển giới có xu hướng gia tăng. Liên tiếp những vụ án được lật tẩy liên quan đến người chuyển giới đã khiến các cơ quan thực thi pháp luật bối rối trong quá trình giam giữ, cải tạo.
Theo quy định tại Điều 15 Quy chế Tạm giữ, Tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 7/11/1998 của Chính phủ, việc giam, giữ bố trí theo khu vực tách riêng các nhóm đối tượng: Phụ nữ; Người chưa thành niên; Người nước ngoài; Người có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; Loại côn đồ hung hãn, giết người, cướp tài sản, tái phạm nguy hiểm; Người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia; Người bị Toà án tuyên phạt tử hình; Người có án phạt tù chờ chuyển đi trại giam.
Như vậy, vấn đề đặt ra là việc tạm giam đối với người chuyển giới mà chưa được công nhận giới tính sẽ được thực hiện như thế nào? Giam giữ theo giới tính đã khai sinh hay theo giới tính mới? Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Hồng Hải, Công ty Luật SMIC.
** Thưa luật sư, pháp luật hiện hành quy định việc giam giữ ra sao đối với người chuyển giới, đặc biệt là người tự chuyển giới chưa được công nhận giới tính, vi phạm pháp luật?
Luật sư Bùi Hồng Hải: Những quy định của pháp luật liên quan đến người chuyển giới rất ít, chủ yếu ở Điều 36 Bộ luật Dân sự, quy định về vấn đề xác định lại giới tính. Quy định này cũng được thể hiện rõ hơn trong Nghị định 88/2008/NĐ-CP. Tuy nhiên quy định của pháp luật về xác định giới tính chỉ tập trung vào 2 nội dung: đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Còn với những trường hợp chuyển đổi giới tính, không dựa trên khuyết tật bẩm sinh hay giới tính chưa được định hình chính xác, do người chuyển giới mong muốn được chuyển, pháp luật hiện tại chưa có quy định nào để điều chỉnh.
Theo hướng mới, sắp tới trong Dự thảo Luật Tạm giam tạm giữ của Bộ Công an sẽ có điều chỉnh về nội dung này tại Điều 23 của Dự thảo hướng dẫn việc tạm giam tạm giữ, theo đó đối với trường hợp đặc biệt, những đối tượng chưa được xác định rõ giới tính sẽ phải bố trí tạm giam tạm giữ riêng.
Trong trường hợp có thể xác định được giới tính, cơ quan công an sẽ phối hợp với cơ quan y tế có thẩm quyền xác định lại giới tính để phân loại giam giữ cho hợp lý, đúng luật.
** Việc giam giữ dựa trên giới tính đã khai sinh hay theo giới tính mới, thưa luật sư?
Luật sư Bùi Hồng Hải: Theo quy định của pháp luật hiện hành việc giam giữ những người chuyển giới vi phạm pháp luật đều dựa trên giới tính thật trên giấy khai sinh của họ.
Còn trường hợp của Trâm Anh, tự chuyển giới và chưa có văn bản nào của Nhà nước chứng thực việc chuyển đổi giới tính, hiện tại chưa có quy định nào điều chỉnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, để thuận lợi cho việc giam giữ, cơ quan công an đã tiến hành giam giữ Trâm Anh ở buồng giam riêng.
Ngoài những quy định của luật, trên thực tế, việc Trâm Anh được giam giữ ở buồng giam riêng là giải pháp nhanh chóng và hiệu quả, tránh được xung đột xảy ra. Bởi theo luật, nếu đưa Trâm Anh vào buồng giam của nam, những người ở buồng giam này có thể sẽ có phản ứng, không chấp nhận giam giữ cùng với Trâm Anh, từ đó có thể phát sinh những hành động tiêu cực. Ngược lại, nếu đưa Trâm Anh vào buông giam nữ, những người này có thể kỳ thị với Trâm Anh, bởi trong tư tưởng có thể họ vẫn coi Trâm Anh là nam.
Việc giam giữ Trâm Anh vào buồng giam riêng là biện pháp xử lý rất hay, kịp thời, tránh được những mâu thuẫn không cần thiết trong thời gian chờ đợi luật hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn.
** Xin cảm ơn luật sư./.