Giảm tử vong nhờ cô đỡ thôn bản
Phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản là một giải pháp để giảm tử vong mẹ và sơ sinh ở vùng sâu, miền núi, vùng đồng bào dân tộc.
Tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ với các dịch vụ chăm sóc thai sản đã trở thành trọng tâm của các nỗ lực toàn cầu, nhằm đảm bảo quyền của mọi phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất trong suốt giai đoạn mang thai và sinh đẻ.
Vai trò của hộ sinh và công tác hộ sinh là cực kỳ quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe (CSSK) bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam. Họ có mặt ở khắp nơi, từ tuyến trung ương cho đến tuyến xã và thôn (với các cô đỡ thôn bản). Đây là loại hình cán bộ y tế gần gũi, dễ tiếp cận nhât đối với phụ nữ và trẻ em.
Những câu chuyện đời thường
Nhà Chamaléa Thị Hém ở thôn Ma Nai, Phước Thành (Ninh Thuận) nhưng việc đi vận động tuyên truyền, khám thai cho chị em ở các thôn khác như Ma Dú, Ma Rớ, Suối Lở, Đá Ba Cái là chuyện thường.
Học xong khóa đào tạo cô đỡ thôn bản tại Bệnh viện Từ Dũ năm 2006, Chamaléa Thị Hém về lại quê hương Phước Thành để phục vụ bà con. Chị rất chăm chỉ trong công tác chuyên môn, vừa là cô đỡ vừa tích cực đi từng nhà vận động chị em về cách chăm sóc sức khỏe khi có thai, khám thai định kỳ kết hợp với tuyên truyền về KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Chị còn tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ tục lệ cúng bái khi có bệnh và tự đẻ ở nhà. Sự chân thành và thành thạo trong chuyên môn nên chị càng được bà con tin tưởng.
Chamaléa Thị Hém đang thăm thai (ảnh KT) |
Câu chuyện của Sìn Thị Rúm – thôn Lùng Vai, xã Cốc Rễ, Xín Mần, Hà Giang cũng thú vị không kém. Còn trẻ nhưng Rúm đã giúp cả trăm bà mẹ vượt cạn an toàn bằng việc tuyên truyền, vận động chị em đến sinh nở tại các cơ sở y tế, tư vấn chăm sóc mẹ và bé thời kỳ mang thai…
Thấy Rúm đi bộ nhiều quá, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng – nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ muốn cho chị một chiếc xe đạp để thuận tiện đi lại, nhưng chị đã từ chối. Vì ở thôn Lùng Vai không có đường nhựa, đường to, đi đâu cũng phải đi bộ. Đi lại khó khăn, vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ thấy Rúm kêu ca, phàn nàn gì. “Em đã phát hiện nhiều ca thai ngang, nhau tiền đạo hay thai ngược, ca sinh khó… để chuyển lên tuyến trên” – BS Phượng cho biết thêm về chị Rúm.
Còn chị Triệu Thị Trang (ở Cao Bằng) cũng đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, vận động bà con ở quê nhà bỏ các hủ tục, sinh nở ở các cơ sở y tế. Chị cho biết: “Nhiều khi nửa đêm nhận được tin báo có người sắp sinh, không thể đi bộ đến nơi được nên phải cưỡi ngựa đến giúp sản phụ. Những vất vả khi ấy được bù đắp bằng những nụ cười, ánh mắt trẻ thơ chào đời; hạnh phúc của người mẹ sinh nở an toàn”.
Luôn cần những cô đỡ thôn bản
Không phải tất cả các bệnh viện huyện đều có khả ăng chăm sóc sản khoa toàn diện. Còn tới 33% bệnh viện huyện chưa thực hiện được mổ lấy thai và 48% chưa có khả năng truyền máu, trong đó phần lớn lại là những bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa.
Phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản (CĐTB) là một giải pháp để giảm tử vong mẹ và sơ sinh ở vùng sâu, miền núi, vùng đồng bào dân tộc. CĐTB tham gia và góp phần cải thiện công tác chăm sóc trước sinh, chuyển tuyến và giảm ca tai biến. Đồng thời, họ còn góp phần giảm bất bình đẳng trong tiếp cận chăm sóc sức khỏe cơ bản cho nhân dân. Thực tế là phụ nữ địa phương cũng rất mong muốn có CĐTB vì họ có chung văn hóa và ngôn ngữ.
Chị Triệu Thị Trang chia sẻ những khó khăn của phụ nữ dân tộc: “Vì không biết tiếng Kinh, cộng với quan niệm không cho người lạ nhìn thấy mình lúc đẻ nên nhiều chị em không muốn đến các trung tâm y tế. Ngoài ra, nếu xuống những nơi này họ lại rất lạ lẫm, phải đi mua cơm, cháo… trong khi ở nhà có sẵn những thứ cần thiết”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Hà Giang) đưa ra con số: Hiện nay tại địa phương có tới 80% bà mẹ đẻ tại nhà. Chính vì thế, việc phát triển, đào tạo CĐTB là yêu cầu vô cùng cần thiết.
Là người gắn bó lâu năm với công tác đào tạo CĐTB, bà Vi Thị Hoa – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết: Điện Biên là tỉnh có tỷ số tử vong mẹ cao nhất vùng Tây Bắc - Tây Nguyên với tỷ số là 249/100.000 trẻ con sống. Cũng như các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, bà con ở các bản xa xôi của Điện Biên chủ yếu nằm trong vùng đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, số xã làm được các dịch vụ CSSKSS tại xã chưa được 50%. Ở 31 xã có 31 CĐTB thì hầu như không có bệnh nhân tử vong vì được phát hiện, chuyển tuyến kịp thời.
Từ năm 2009 đến nay, Điện Biên đã phối hợp cùng các tổ chức đào tạo 35 cô đỡ thôn bản cho 35 thôn tại hai huyện Mường Chà và Điện Biên Đông. Các cô đỡ là người địa phương, được thôn, bản giới thiệu và rất có uy tín trong cộng đồng.
Qua điều tra, khảo sát ở 58 quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới, ông Bruce Campbell – Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khẳng định: Nếu không có thêm cán bộ hộ sinh, một lực lượng chính trong những người đỡ đẻ có kỹ năng và không tăng cường cho họ các kỹ năng lâm sàng để đảm bảo họ đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì sẽ còn những ca tử vong xảy ra đối với các phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Chúng ta đã có bằng chứng là nếu cán bộ hộ sinh có mặt kịp thời và chuyển tuyến các ca sinh có tai biến đến nơi có sự chăm sóc y tế có chuyên môn cao thì sẽ giúp tránh được 90% số ca tử vong của các bà mẹ”.
Chế độ chưa thỏa đáng
Công việc của CĐTB vất vả, vụn vặt là vậy nhưng hiện nay các chế độ đãi ngộ với lực lượng này hầu như chưa có gì. Bà Vi Thị Hoa cho hay, mỗi C ĐTB ở Điện Biên được phụ cấp 50.000 đồng/tháng. Số tiền này quá ít ỏi so với giá cả hiện nay. Không riêng gì Điện Biên, nhiều địa phương khác CĐTB cũng nhiều khi phải gác lại công việc của mình để làm nương, làm rẫy kiếm sống.
BS Nguyễn Ngọc Khang (Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế) nêu thêm một vướng mắc đối với CĐTB, đó là việc cấp chứng chỉ hành nghề cho đội ngũ này. Nếu theo Luật Khám chữa bệnh thì chỉ cấp chứng chỉ cho nữ hộ sinh, trong khi đội ngũ CĐTB lại có đóng góp rất nhiều thì lại không được cấp chứng chỉ. Đây là vấn đề rất khó khăn cho các tỉnh miền núi. Vậy chúng ta phải giải quyết thực tế này như thế nào?
Ngoài ra, theo TS Lưu Thị Hồng– Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ-trẻ em (Bộ Y tế), hiện nay chưa có chương trình và tài liệu đào tạo chính thức cho CĐTB, và cũng chưa có chức danh chính thức và trợ cấp để tuyển dụng, lưu giữ CĐTB ở lại làm việc. Thiếu chính sách, hướng dẫn thực hiện và cung cấp dịch vụ ở tuyến thôn bản. Ngoài ra, nhiều địa phương hiện đang hiểu sai về mục đích đào tạo CĐTB, cho rằng họ được đào tạo là để đỡ đẻ ở gia đình. “Mục đích đào tạo CĐTB là để tuyên truyền cho những bà mẹ đến các cơ sở y tế để sinh nở an toàn. Các kỹ năng được đào tạo chỉ sử dụng trong trường hợp bất khả kháng phải sinh nở tại nhà” – TS Lưu Thị Hồng nhấn mạnh.
Một lớp đào tạo cô đỡ thôn bản tại Bệnh viện Từ Dũ (ảnh KT) |
Nhiều người trong và ngoài ngành y tế đều công nhận vai trò của nữ hộ sinh, cô đỡ, bà đỡ thôn bản trong hệ thống CSSK sinh sản. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, theo TS Lưu Thị Hồng thì chưa có luật hay qui định về nghề hộ sinh. Ngoài ra, họ tham gia rất hạn chế trong thẩm định đào tạo, đánh giá, xây dựng chính sách; có vị trí thấp trong vai trò quản lý hệ thống y tế; tính độc lập trong cung cấp dịch vụ chưa cao do qui định về mặt kỹ thuật, bất kể ở trình độ nào (hầu hết thực hiện dưới sự chỉ đạo, giám sát của bác sĩ)…
TS Lưu Thị Hồng cũng bày tỏ lo ngại về công tác đào tạo nữ hộ sinh, CĐTB hiện nay. Bằng chứng là, khi đánh giá 232 người đỡ đẻ có kỹ năng thì có tới 90 người chưa được học đầy đủ trong chương trình đào tạo chính quy về tất cả 30 kỹ năng cần thiết của người đỡ đẻ có kỹ năng.
Các chuyên gia quốc tế cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, Việt Nam vẫn còn một số bất cập về quản lý, giáo dục và chính sách liên quan đến tuyển dụng, bố trí việc làm và giữ chân cán bộ hộ sinh ở lại nghề. Đây là những bất cập cần được giải quyết./.