Giao thông đô thị - Giải pháp xanh

Để tiết giảm chi phí nhiên liệu và tình trạng ô nhiễm môi trường, việc sử dụng các nguồn nhiên liệu sạch, trong đó có khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trong phương tiện giao thông được xem là một giải pháp hữu hiệu.

Biến đổi khí hậu hiện là vấn đề toàn cầu. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là khí thải từ các phương tiện vận tải sử dụng xăng, dầu. Để tiết giảm chi phí nhiên liệu và tình trạng ô nhiễm môi trường, việc sử dụng các nguồn nhiên liệu sạch, trong đó có khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trong phương tiện giao thông được xem là một giải pháp hữu hiệu. Tuy vậy, việc sử dụng LPG trong ô tô hiện vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam.

Giải pháp xanh

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam, đặc biệt tại các thành phố lớn đang ở mức báo động. Hoạt động giao thông vận tải chiếm tới 70% nguồn gây ô nhiễm không khí ở các đô thị, đóng góp tới 85% lượng khí CO. Các khí độc hại như CO, NO, hơi xăng (VOCs), bụi chì, benzene… phát thải từ phương tiện giao thông và nguồn nhiên liệu sử dụng chưa được kiểm soát chặt về chất lượng. Tuy nhiên, hình ảnh những chiếc ô tô nhả khói mù mịt trên đường có thể hoàn toàn biến mất nếu như thay bằng sử dụng xăng dầu, những chiếc ô tô này sử dụng nguồn nhiên liệu sạch LPG.

Gọi là nhiên liệu sạch, bởi LPG không gây ô nhiễm môi trường. Khí phát thải của ô tô sử dụng LPG (autogas) có hàm lượng CO thấp hơn 50%, CO2 thấp hơn 12%, NOx thấp hơn 35%, các loại hydro carbon không cháy thấp hơn 40% và nguy cơ ảnh hưởng tầng ô zôn giảm 50%. Việc sử dụng LPG tiết kiệm được 20 - 30% chi phí so với xe dùng xăng dầu, đặc biệt khi giá xăng dầu liên tục tăng như vừa qua mà giá autogas vẫn giữ nguyên ở mức 9.900đ/l.

Rất đơn giản để dùng LPG cho ô tô, chỉ cần lắp đặt thêm một bộ chuyển đổi có giá từ 1.200USD cho từng loại xe. Về cơ bản, việc lắp đặt hệ thống cung cấp LPG không làm thay đổi kết cấu, đặc tính kỹ thuật, sự an toàn trong vận hành cũng như mỹ thuật của xe. Hệ thống này hoạt động độc lập và đồng thời cùng với hệ thống xăng, dầu, vì thế tài xế có thể sử dụng loại nhiên liệu nào tùy thích chỉ cần bấm vào công tắc đặt ngay gần vô lăng mà không cần phải dừng xe.

Vì sao chưa phát triển?

Dù những lợi ích của việc sử dụng LPG trong ô tô là thấy rõ, nhưng thực tế vẫn chưa được ứng dụng nhiều tại Việt Nam. Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, autogas xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1993 nhưng phải mãi đến vài năm gần đây, thị trường này mới thực sự có những bước phát triển ban đầu. Hiện ước tính cả nước có khoảng 1.000 ô tô sử dụng LPG, chủ yếu là xe taxi, tập trung tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Lê Văn Long, Hiệp hội Gas Việt Nam, có nhiều nguyên nhân khiến autogas chưa phát triển tại Việt Nam, đó là do thói quen dùng xăng dầu của người dân, và tâm lý lo sợ nguy cơ cháy nổ cao khi sử dụng bình gas trong ô tô; Chủ phương tiện không muốn tác động tới xe của họ khi dùng LPG phải lắp đặt bộ chuyển đổi; Có quá ít trạm cấp LPG nên chưa tạo sự tiện lợi cho người dùng (cả Hà Nội hiện mới có 4 trạm); Còn thiếu cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thị trường này phát triển. Hiện thuế nhập khẩu phụ tùng cho autogas còn quá cao, bằng với thuế nhập khẩu phụ tùng ô tô, vì thế bộ chuyển đổi còn khá đắt, không khuyến khích người sử dụng; Thủ tục chuyển đổi còn khá phức tạp, qua nhiều công đoạn nên gây tâm lý e ngại đối với chủ phương tiện.

Ông Long cũng cho rằng, thông tin tuyên truyền cũng rất quan trọng để mọi người hiểu được lợi ích thiết thực của việc sử dụng LPG; phải có doanh nghiệp đi đầu trong việc sử dụng LPG, nhưng hiện Việt Nam chưa có.

Tiềm năng rộng mở

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường autogas Việt Nam rất tiềm năng và sẽ phát triển nhanh chóng trong thời gian tới. Ông Thái Ngọc Sơn, Giám đốc Phát triển kinh doanh Cty TNHH Tân An Bình nhận định: Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường ô tô đi kèm nguy cơ ô nhiễm môi trường là điều kiện thuận lợi để phát triển ô tô sử dụng năng lượng sạch như LPG. Hiện tại, nguồn LPG trong nước sản xuất và nhập khẩu đủ đáp ứng nhu cầu của autogas.

Hiệu quả kinh tế từ việc sử dụng LPG rất rõ ràng và hấp dẫn. Theo khảo sát thực tế của Tân An Bình, với một xe ô tô loại 4 chỗ có dung tích xi lanh 1,61l, nếu sử dụng LPG sẽ tiết kiệm được 37.000đ/100km so với dùng xăng. Với mỗi xe taxi chạy trung bình 200km/ngày; mỗi tháng chạy 27 ngày thì 1 xe có thể tiết kiệm tới 1,998 triệu đồng/tháng. Nếu một bộ chuyển đổi có giá trung bình 1.200USD, sau 3 năm đã thu hồi đủ vốn mà mỗi xe còn có lãi được hơn 50 triệu đồng.

Ông Thái Ngọc Sơn cho biết, Công ty đang xây dựng dự án chuyển đổi việc sử dụng xăng sang LPG cho khoảng 30% xe taxi vào năm 2011. Sở dĩ chọn taxi vì đây là phương tiện sử dụng nhiều nhiên liệu và phát thải nhiều khí ô nhiễm ra môi trường, nếu làm tốt, sẽ tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận, đây không phải là việc dễ. Khó khăn lớn nhất là số trạm nạp quá ít (hiện công ty mới có 2 trạm nạp ở Trung Hòa Nhân Chính và Mỹ Đình), công ty đang nghiên cứu ban hành quy chuẩn xây dựng trạm di động. Nhưng để làm được điều này, đòi hỏi nguồn vốn lớn mà chỉ riêng công ty khó đáp ứng được nên rất cần thêm các nhà đầu tư khác.

Muốn phát triển được thị trường autogas tại Việt Nam, theo ông Sơn, điều quan trọng nhất là phải có sự hỗ trợ bằng những cơ chế, chính sách khuyến khích hợp lý của Nhà nước, bởi theo kinh nghiệm của thế giới, những nước phát triển được thị trường autogas đều là những nước nhận được sự ưu đãi của Nhà nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên