Giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả

Nhờ chuyển đổi đúng hướng nên hiện nay, bình quân mỗi ha đất canh tác ở xã Phước Nam cho thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm.

Thực hiện Nghị quyết 11 của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, Đảng uỷ xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vận động bà con nông dân Chăm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vừa mở rộng diện tích đất canh tác vừa tăng thu nhập cho bà con.

Xã Phước Nam, huyện Thuận Nam hiện có hơn 2.340 hộ với 12.300 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Chăm chiếm gần 78% số dân, thu nhập chủ yếu của người dân từ sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng do địa phương thuộc vùng khô hạn nên việc sản xuất nông nghiệp của bà con nơi đây thường gặp khó khăn, thu nhập thấp.

Trước tình trạng trên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được Đảng bộ, chính quyền xã Phước Nam xác định là một trong những giải pháp chủ yếu góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Đảng bộ xã Phước Nam đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đảng ủy xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên phụ trách địa bàn thôn, hộ dân kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Từ đó, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong xã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng của 1.700 ha đất nông nghiệp.

Ngoài việc triển khai các biện pháp khai thác nguồn nước ngầm để duy trì sản xuất, từ năm 2006 đến nay, xã Phước Nam đã chuyển được 800 ha đất trồng lúa trên vùng đồi, năng suất thấp sang trồng các loại cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với thổ nhưỡng, như: cây trôm, bắp lai, đậu xanh, hành đỏ, cỏ các loại… Đây là một trong những giải pháp có hiệu quả bởi không chỉ tiết kiệm nước tưới, đem lại thu nhập cao cho nông dân mà còn tránh tình trạng bỏ hoang ruộng.

Gia đình ông Bá Văn Tin ở thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, có 3 sào đất đồi, trước mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa. Hai năm gần đây gia đình ông đã chuyển sang trồng bắp lai và đậu xanh, một năm luân canh từ 3 đến 4 vụ. Vụ đông xuân vừa qua, ông trồng bắp lai thu về hơn 30 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với trồng lúa. Ông Tin phấn khởi cho biết: “Ban đầu bà con chúng tôi chưa dám chuyển đổi cây trồng nhưng có cán bộ khuyến nông, được xã phối hợp trung tâm giống cây trồng đưa các giống đậu xanh, bắp, giống lúa… về trồng, thu hoạch đạt năng suất cao. Từ đó chúng tôi mạnh dạn sản xuất”.

Ở Phước Nam không riêng gì gia đình ông Bá Văn Tin mà đa số bà con người Chăm đều chuyển sang trồng luân canh như thế. Nhờ đó, diện tích cây trồng của xã mỗi vụ một tăng. Trong 4 tháng năm nay, toàn xã đã gieo trồng được 1.380 ha, tăng hơn  1,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Kiều Đại Hướng, Bí thư Đảng ủy xã Phước Nam cho biết: Không chỉ làm tốt việc chuyển đổi cây trồng, cấp ủy, chính quyền xã Phước Nam còn đẩy mạnh việc vận động nhân dân chuyển đổi mô hình chăn nuôi theo hướng có giá trị kinh tế cao như: trồng cỏ kết hợp chăn nuôi vỗ béo đàn bò nên chất lượng đàn bò được cải thiện đáng kể. Với sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Thuận Nam, từ năm 2007 đến nay, thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam có 37 hộ tham gia trồng cỏ nuôi bò. Mỗi hộ trồng từ 200 đến 300 m2 cỏ, đủ nuôi từ 2 đến 4 con bò. Bình quân mỗi con bò đưa vào vỗ béo từ 2,5 - 3 tháng, sau khi đã trừ chi phí, nông dân thu lãi từ 500.000-600.000 đồng mỗi con.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng nên hiện nay, bình quân mỗi ha đất canh tác ở xã Phước Nam cho thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm. Số hộ có mức sống khá và giàu tăng, số hộ nghèo chỉ còn 9,9%, giảm hơn 5% so với 5 năm trước. Đảng bộ xã Phước Nam đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 11 triệu đồng/năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2010./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên