Hà Giang: Mưa lớn, đất đá sạt lở gây ách tắc giao thông
(VOV) - Sở GT-VT Hà Giang đã chỉ đạo huy động nhân lực và phương tiện san gạt đất đá bị sạt lở gây tắc đường
Đêm qua và sáng nay (1/7), tại các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Đạo Đức, Việt Lâm, Yên Minh và TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang) xảy ra mưa lớn làm nhiều tuyến đường bị nước dâng, sạt lở hàng trăm mét ta luy, gây ách tắc giao thông.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Giang: Trận mưa đêm qua đã làm một nhà dân ở tổ 15, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang bị 400 mét khối đất đá sạt lở vào nhà; Tuyến đường khu K2 - đường Quyết Thắng, tổ 6, Phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang bị ngập sâu từ 30 đến 40 cm. Tại huyện Vị Xuyên, tuyến đường của xã Bạch Ngọc từ thôn Diếc đi Ngọc Bình bị sạt 250 m taluy dương, khoảng 6.250 m khối đất đá vùi lấp đường. Tuyến đường liên huyện từ Tráng Kìm, huyện Quản Bạ đi huyện Yên Minh khoảng 1.000 m3 taluy dương bị sạt lở, tràn lấp mặt đường.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Giang đã huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy; đồng thời, yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, tổ chức ứng trực, đôn đốc thúc đẩy tiến độ vận chuyển đất đá để thông các tuyến đường trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Mạnh An, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Giang cho biết: Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của tỉnh đã điện cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện huy động máy móc và con người để giải phóng ngay khối lượng đất đá sạt lở dưới mặt đường. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh đã có công văn gửi cho các huyện thực hiện phương châm 4 tại chỗ và thường trực phòng chống lụt bão của các huyện phối hợp với Ban phòng chống lụt bão tỉnh dự báo những khu vực bị sạt lở để đưa dân ra khỏi khu vực sạt lở, tuyên truyền cho người dân phải cảnh giác trong mùa mưa này.
Trước tình hình mưa lớn có thể tiếp tục xảy ra, Sở GT-VT Hà Giang đã chỉ đạo các Hạt giao thông huy động nhân lực và phương tiện máy móc phối hợp với chính quyền và người dân địa phương khẩn trương san gạt và vận chuyển khối lượng đất đá bị sạt lở ra khỏi các điểm gây tắc đường; rà soát những vị trí thường có nguy cơ bị sạt lở, cắm biển cảnh báo và tổ chức ứng trực để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra./.