Hà Nội có mưa rào và dông, đề phòng gió giật mạnh
VOV.VN -Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp đang di chuyển về phía đất liền nên trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13h ngày 28/08 vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19.5 – 20.50N; 107.3 – 108.30E. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc. Như vậy, tối nay vùng áp thấp này có khả năng đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và bắc Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp đang di chuyển về phía đất liền nên trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Trong những giờ tới, khu vực Hà Nội sẽ có mưa rào và dông. Trong cơn dông cần đề phòng gió giật mạnh.
Chiều và đêm nay (28/8) ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; trong cơn dông có khả năng xuất hiện lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng núi Thanh Hóa – Nghệ An và khu vực vùng núi phía Bắc có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, vùng đồng bằng Bắc Bộ có khả năng xảy ra ngập úng ở vùng trũng.
Ở vịnh Bắc Bộ có mưa rào và dông mạnh, trong cơn dông có khả năng xuất hiện lốc xoáy và gió giật mạnh.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng xoáy thấp kết hợp với gió đông nam hoạt động mạnh nên từ chiều và đêm nay (28/8) ở các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Tại các tỉnh phía Đông Bắc Bộ mưa to kéo dài liên tục đến sáng ngày 30/8 với tổng lượng mưa phổ biến từ 50- 150mm, có nơi trên 150mm; ở khu vực phía Tây bắc Bộ lượng mưa phổ biến từ 30 – 70mm, có nơi trên 100mm.
Trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 8, sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 3 mét, ở hạ lưu từ 0,5 đến 1 mét. Trong đợt lũ này, lưu lượng lớn nhất đến hồ Sơn La có khả năng lên mức 5000m3/s, đến hồ Hòa Bình có khả năng lên mức 6000m3/s; mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên trên mức báo động 1.
Lũ quét và trượt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc như Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; đặc biệt ở các huyện như: Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang); Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái); Mường Lay, Mường Tè, Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên); Bắc Yên, Mộc Châu, Yên Châu (tỉnh Sơn La); Lương Sơn, Kim Bôi, Mai Châu (tỉnh Hòa Bình); Pắc Nậm, Ba Bể, Bạch Thông, Thị xã Bắc Cạn (tỉnh Bắc Cạn); Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên); Tam Đảo, Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc).
Cần có biện pháp phòng chống ngập lụt ở các vùng trũng, các đô thị ở Đồng Bằng Bắc Bộ như: Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình./.