Hà Nội: Dịch chân tay miệng tăng cao, do đâu?
PV Báo TNVN phỏng vấn ông Nguyễn Nhật Cảm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội về tình trạng dịch tay chân miệng đang tăng cao trên địa bàn Hà Nội.
- 18 trẻ em tử vong vì bệnh tay chân miệng
- Yên Bái có hơn 200 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng
- 100% bệnh nhân tay chân miệng tử vong đều do EV71
- Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp tại Đắk Lắk
PV: Xin ông cho biết diễn biến dịch tay chân miệng trong những tháng đầu năm 2012?
Ông Nguyễn Nhật Cảm: Tính đến ngày 10/4, trên địa bàn Hà Nội có 1.504 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong; chưa ghi nhận được ổ dịch lớn diễn biến phức tạp. Riêng tháng 3, số trường hợp mắc tăng cao tới 880 trường hợp, tăng gấp đôi so với tháng 2. Trung bình mỗi tuần có từ 150 - 200 trường hợp mắc.
Theo tổng kết của Sở, tình hình dịch bệnh quý I/2012 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2011. Số mắc dịch phân bố rải rác tại 29 quận, huyện, thị xã. Trong đó, các quận huyện có nhiều bệnh nhân là Đông Anh, Sóc Sơn, Từ Liêm, Đống Đa, Thạch Thất, Sơn Tây, Cầu Giấy, Phúc Thọ. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, chiếm 96%.
PV: Biện pháp nào để kiểm soát, ngăn chặn dịch tiếp tục gia tăng nhanh, thưa ông?
Ông Nguyễn Nhật Cảm: Nếu như năm trước dịch thường rơi vào các tháng 5, 7, 9, 12 thì ngay từ những tháng đầu năm nay, dịch đã có chiều hướng gia tăng, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc. Dịch không chỉ tăng vào mùa hè mà cả mùa đông và rất dễ lây lan nên đã đã lan ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Thực tế, có tới 96% số ca TCM là trẻ dưới 5 tuổi, trong đó chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi nên công tác truyền thông phòng bệnh sẽ tập trung mạnh cho nhóm người thường xuyên chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi tại nhà và trường học. Thực tế chỉ có 30 - 40% trẻ mắc bệnh là lây trong trường học. Trong khi đó tại cộng đồng, có nhiều người nhiễm vi rút không triệu chứng (cả người lớn và trẻ em) nhưng vẫn là nguồn truyền nhiễm lan truyền vi rút. Do đó, cho trẻ nghỉ học ở nhà không phải là biện pháp tối ưu để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Để chủ động phòng bệnh TCM, người dân cần thực hiện tốt khẩu hiệu “3 sạch”: “Ăn sạch, ở sạch, uống sạch”.
PV: Thưa ông, có tình trạng trường học “ém” không khai báo những trường hợp mắc bệnh hay không?
Ông Nguyễn Nhật Cảm: Tình trạng “ém” thông tin khai báo trường hợp trẻ bị CTM như báo chí phản ánh trong thời gian gần đây có thể rơi vào một số nhỏ nhà trẻ tư thục thuộc sự quản lý của UBND cấp xã, phường. Chúng tôi cũng đã đề nghị các xã, phường tăng cường quản lý, phòng chống dịch bệnh đến từng hộ dân, phát hiện sớm để điều trị.
Nhìn chung, công tác phối hợp tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh giữa ngành y tế và ngành giáo dục được thực hiện rất tốt. Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra tại các trường, không xảy ra trường hợp vi phạm, sai sót nào. Tại các trường, ban chỉ đạo phòng chống dịch đều đã được thành lập. Các trường hợp nhiễm dịch đều được khai báo tự giác và kịp thời.
PV: Xin cảm ơn ông!./.