Hà Nội: Khu tập thể ở Chương Dương tan hoang sau vụ cháy lớn

Khu tập thể nhà gỗ C8 gồm hai tầng, diện tích 500m2 là nơi sinh sống của 108 nhân khẩu bỗng chốc trở thành đống tro tàn sau khi “bà hỏa” “ghé thăm” bất ngờ.

Sau khi xảy ra vụ cháy kinh hoàng vào sáng 26/8 tại khu tập thể nhà gỗ C8 (Tập thể Kiến trúc, phường Chương Dương – Hà Nội) mặc dù chính quyền sở tại đã có những biện pháp kịp thời hỗ trợ, song cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Khu nhà bỗng chốc thành tro tàn

“Hơn 70 năm tích cóp, bỗng chốc... trắng tay”

Hơn một ngày sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng, khiến một cụ già tử vong, hàng chục ngôi nhà bị thiêu rụi, người dân khu phố vẫn chưa hết bàng hoàng trước những gì đã xảy ra. Trên những ngả đường, từng lối nhỏ đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người dân túm tụm hỏi han, chia sẻ với những khó khăn, động viên nhau vượt qua cơn bĩ cực.

Khu tập thể nhà gỗ C8 gồm hai tầng, diện tích 500m2 là nơi sinh sống của 108 nhân khẩu bỗng chốc trở thành đống tro tàn sau khi “bà hỏa” “ghé thăm” bất ngờ. Những vật dụng thường ngày như bếp gas, nồi cơm điện, quần áo, sách vở… cho đến các tài sản có giá trị giờ đây chỉ là đống tro tàn. 36 hộ dân chỉ trong phút chốc trở nên trắng tay, điêu đứng.

Nhìn vào kho hàng vải vóc chuyên may áo quan ở phía sau nhà đã bị “hóa vàng”, anh Lê Văn Phi (tập thể nhà C8) ngao ngán nói: “Tôi mới nhập thêm 200 triệu đồng số vải này về để may cho khách, mới nhập về để đó còn chưa kiểm kê hết thì lửa đã thiêu rụi hết cả. Còn chưa kể đến số vải còn lại trước đó và kho hàng của chủ tiệm vải ở chợ Đồng Xuân cũng thành tro rồi”.

Người đàn ông thẫn thờ sau đám cháy

Ngôi nhà ba tầng của gia đình anh nằm sát khu tập thể gỗ, phía sau là nơi chứa vải và đồ gia dụng. Anh Phi kể: “Buổi sáng cả nhà vừa ngủ dậy thì nghe thấy tiếng tri hô của bà con là: Có cháy, có cháy. Lúc đó tôi còn nghĩ là cháy ở đâu đó chứ không phải khu nhà mình. Nhưng quay mặt lại đã thấy ngọn lửa từ tầng trên của khu nhà gỗ táp vào kho hàng phía sau nhà. Theo quán tính, tôi cố chạy lên tầng 2 và tầng 3 để thả những túi vài và đồ may của khách từ cửa sổ xuống ất, còn vợ tôi cũng kịp chạy được mấy cái máy khâu.

Hoảng quá, tôi chỉ kịp đưa đứa con mới 18 tháng để ông bà nội bế đi chỗ khác để kéo thêm một ít vải ra ngoài. Nhưng ngọn lửa bùng lên quá nhanh, tôi chỉ còn biết đứng nhìn toàn bộ kho hàng phía sau bị thiêu cháy hết”.

Ông Lê Văn Phố (74 tuổi – bố của anh Phi) cho biết thêm: “Kho hàng phía sau là nơi để hàng cũng là nơi ở của vợ chồng tôi. Buổi sáng hôm đó tôi còn đang đi tập thể dục, biết tin chạy về nhà thì thấy đồ đạc trong nhà đang cháy nham nhở.

“Hơn 70 năm cuộc đời bây giờ chỉ còn mỗi chiếc quần đùi và cái áo may ô mặc đi tập thể dục sáng hôm đó thôi cô ạ”, ông Phố chỉ vào bộ quần áo đang mặc trên người cho phóng viên biết.

Cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn

Cuối giờ chiều 26/8, UBND phường Chương Dương đã có những biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với các hộ bị hỏa hoạn. 36 hộ dân nhà C8 bị thiệt hại nặng nề được nhận số tiền hỗ trợ là 6 triệu đồng/hộ, riêng gia đình có cụ Hoàng Thị Răm (nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn) được hỗ trợ thêm 4,5 triệu đồng.

Trong ngày 28/8, hội Phụ nữ cũng đã hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/hộ. Đồng thời bố trí ngay chỗ ở tạm cho các hộ dân tại nhà A2 – Phú Thượng (quận Tây Hồ). Hiện bà con tiếp tục kê khai tài sản thiệt hại để phường báo cáo quận Hoàn Kiếm có phương án hỗ trợ kịp thời.

Nhận chìa khóa chỗ ở mới từ chiều tối 26/8, song cuộc sống của gia đình chị Phạm Thị Kim Thu (phòng 5 – khu tập thể nhà gỗ C8) gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình chị có 3 người, nguồn thu nhập chính của gia đình chị chỉ trông chờ vào đồng lương hưu chưa được 2 triệu đồng/tháng của chị. Ngoài ra chồng chị làm thêm nghề bơm vá xe đạp, chị đi làm thuê ở ngoài để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi cậu con trai chuẩn bị học đại học.

Chỉ trong phút chốc, lửa đã thiêu rụi toàn bộ tài sản trong nhà khiến gia đình chị trở nên trắng tay. Nhìn căn phòng mới chỉ vẻn vẹn vài bộ quần áo cũ được mấy người hàng xóm “trợ cấp” và bình nước uống, chị Thu cũng không biết trong những ngày tới gia đình chị sẽ sinh hoạt như thế nào.

Chị nói: “Chúng tôi nhận chìa khóa ngay trong chiều tối sau khi xảy ra hỏa hoạn, nhưng gia đình vẫn chưa thể ở được. Vì từ hôm đó đến nay chưa có hôm nào nhà có điện, đường ống thoát nước trong phòng bếp chưa dùng đã bị vỡ, nhà cửa hôi hám, không có chỗ phơi quần áo. Với điều kiện này chúng tôi không thể ở được, vợ chồng con cái đành phải mỗi người mỗi nơi, đi ở nhờ nhà họ hàng”.

Chỉ tay vào góc nhà bị thấm nước, mốc meo, chị Thu nói tiếp: “Sáng nay tôi gọi thợ đến sửa lại góc tường bị thấm nước này, nhưng họ bảo toàn bộ công là 4 triệu đồng. Trong khi nhà nước hỗ trợ cho 6 triệu đồng/hộ, tính đi tính lại cũng không đủ tiền để mua mua mấy cái bát, mấy đôi đũa để ăn uống và những đồ dùng khác. Nên tôi đành không sửa chữa gì nữa”.

Những gì còn sót lại...

Cũng trong hoàn cảnh trắng tay, gia đình anh Nguyễn Tự Cương (phòng 9 – khu tập thể C8) phải chờ vào sự viện trợ khẩn cấp của gia đình ở quê. Chúng tôi vừa vào nhà cũng đúng lúc người em họ mang thêm vài chục trứng gà, ít gạo và rau muống từ Sóc Sơn xuống “chi viện” cho anh chị.

“Buổi sáng hôm đó, vợ chồng tôi còn chưa ngủ dậy. Hàng xóm gọi cửa báo có hỏa hoạn, thì tôi đã thấy lửa táp vào góc nhà phừng phừng. Hai vợ chồng chỉ kịp ném chiếc xe đạp qua cửa sổ xuống đường và cầm vội quyển sổ hộ khẩu chứ không thì chết cháy. Sách vở, giấy tờ của cậu con trai học lớp 7 cũng bị cháy hết. Chỗ ở mới cách quá xa trường học, trong khi việc trong gia đình còn chưa đâu vào đâu, nên từ hôm xảy ra cháy đến nay vợ chồng đành cho cháu nghỉ ở nhà. Sắp tới tôi tính định xuống trường xin giấy giới thiệu chuyển cháu về học gần đây để tiện đưa đón” – anh Cương nói.

Trong sáng 28/8, gia đình cụ Hoàng Thị Răm (nạn nhân tử vong trong vụ hỏa hoạn) làm lễ tiễn đưa cụ về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nam Trực – Nam Định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên