Hà Tĩnh: Di dời 7.000 hộ dân vùng xung yếu đến nơi trú bão
VOV.VN -Chiều 29/9, chiếc thuyền của ông Mai Văn Búp khi đang trên đường vào trú bão đã bị sóng đánh chìm.
Chiều (30/9) “siêu bão” số 10 dự đoán sẽ đổ bộ vào vùng biển miền Trung. Mọi công tác ứng phó với “siêu bão” hiện đã được cơ quan chức năng Hà Tĩnh khẩn trương thực hiện và di dời những vùng dân cư xung yếu đến nơi trú ẩn án toàn.
Ngư dân cho tàu vào nơi tránh bão |
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó bão. Đến 6h sáng ngày 30/9, tại Hà Tĩnh sẽ phải hoàn thành việc di dời khoảng 7.000 hộ dân với 23.000 người ở khu vực xung yếu đến nơi cư trú an toàn cho 6 huyện ven biển.
Theo báo từ cơ quan chức năng, đến thời điểm hiện tại, gần 3.900 phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển đã nhận được thông tin, diễn biến của cơn bão số 10 và đang triển khai vào bờ tránh trú.
Cũng theo báo cáo từ đồn Biên phòng Lạch Kèn vào chiều 29/9, chiếc thuyền do ông Mai Văn Búp (trú ở xã Xuân Liên huyện Nghi Xuân) làm chủ thuyền khi đang trên đường vào trú bão đã bị sóng đánh chìm. Rất may 3 người trên thuyền đã vào bờ an toàn, chiếc thuyền bị chìm hiện đang được cơ quan chức năng cùng người dân tìm kiếm để kéo dắt vào bờ.
Sơ tán dân đến nơi an toàn |
Được biết, cơn bão số 10 này được đánh giá là mạnh nhất trong 6 năm trở lại đây sẽ đổ bộ vào một số tỉnh của miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh. Để chủ động đối phó với “siêu bão” này, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai lực lượng công an, bộ đội, sẵn sàng phương án sơ tán trên 100.000 dân ở 31 xã ven biển, vùng cửa sông, vùng thấp trũng đến nơi an toàn khi bão đổ bộ vào.
Ngoài ra, các cán bộ huyện, xã cũng nhanh chóng được triển khai trực tại các địa bàn để chỉ đạo các biện pháp chống bão. Đặc biệt, tại các điểm xung yếu nơi có người dân sinh sống tại 6 huyện ven biển việc di dời khoảng 7.000 hộ dân với 23.000 người đến nơi cư trú an toàn trong sáng nay (30/9).
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Lê Bắc - Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Công tác phòng chống sẽ tập trung vào những vùng biển và vùng ngập lụt, an toàn hồ đập, đặc biệt các vùng lũ quét, vùng ngập lụt như huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, các hạ du như hồ chứa nước. Những trọng điểm này phải tập trung có kế hoạch sơ tán dân, chuẩn bị lương thực thực phẩm và các điều kiện để có thể đề phòng lũ lên, gây ngập lụt dài ngày, cô lập./.