Hà Tĩnh “trảm” các cơ sở cưa xẻ gỗ trái phép
(VOV) - Hà Tĩnh chỉ đạo chính quyền các địa phương mở đợt cao điểm triệt phá các xưởng cưa, xẻ gỗ, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm.
Thời gian gần đây, tình trạng chặt phá rừng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đến mức báo động, tác động xấu đến nhiều mặt. Các chủ xưởng cưa, xẻ gỗ là một trong những đối tượng tiếp tay cho bọn lâm tặc lộng hành. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương, ngành chức năng mở đợt cao điểm triệt phá các xưởng cưa, xẻ gỗ, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm.
Thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Hà Tĩnh, trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, khắp các huyện đã đồng loạt ra quân. Tinh thần chủ đạo của chính quyền địa phương và ngành chức năng là không bỏ sót bất cứ một cơ sở nào, cho dù đó là của ai.
Trước Tết, chúng tôi có dịp thị sát tại Hương Sơn - huyện “nổi tiếng” có nhiều diện tích rừng bị phá và cũng là địa bàn có đến gần 100 xưởng cưa, xẻ gỗ không hợp pháp.
Tháo gỡ các xưởng cưa trái phép |
Cùng với tăng cường kiểm tra, chốt chặn trên các tuyến đường, xử lý nghiêm tình trạng khai thác lâm sản trái phép, huyện Hương Sơn đã thành lập đoàn liên ngành, kiên quyết “xếp xó” các xưởng cưa, xẻ gỗ không có giấy phép hoạt động.
Với các biện pháp mạnh và chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nên phần lớn các chủ xưởng cưa xẻ, gỗ đã ký cam kết tự nguyện tháo dỡ máy móc, thiết bị không có giấy phép đăng ký.
Ông Nguyễn Quốc Trị - Chủ xưởng cưa, xẻ gỗ ở xóm Kim Thành, xã Sơn Tây, nói rằng, mặc dù bị thiệt hại nhưng chủ trương của tỉnh, của huyện là đúng nên phải chấp hành. Ông Trị mong muốn tỉnh và huyện có giải pháp chuyển đổi nghề để người dân có việc làm ổn định lâu dài, tăng thu nhập…
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 300 cơ sở chuyên cưa, xẻ gỗ, trong đó phần nhiều không có giấy phép hoạt động. Các cơ sở này chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi, có nhiều diện tích rừng. Qua 1 tháng ra quân đã có hơn 100 xưởng cưa, xẻ gỗ ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên bị tháo dỡ và đóng cửa, trong đó có cả xưởng cưa của một số cán bộ địa phương.
Để tránh tình trạng “ đánh trống bỏ dùi”, “dơ cao đánh khẽ”, chính quyền các địa phương yêu cầu ngành điện lực ở các huyện trên địa bàn chấm dứt hợp đồng mua bán điện cho các chủ cơ sở hoạt động cưa, xẻ gỗ vi phạm đã bị thu hồi giấy phép.
Ông Lê Trần Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Huyện đã và đang làm quyết liệt thực sự để lập lại trật tự. Mục đích không để các xưởng cưa, xẻ gỗ hoạt động tuỳ tiện, đồng thời cũng phải sớm tạo công ăn việc làm cho người dân, nhất là các hộ gắn bó với rừng và các sản phẩm từ rừng…”
Tỉnh Hà Tĩnh cương quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, xâm hại đến rừng cũng như các hoạt động liên quan, bất kể đó là ai. Tuy nhiên việc tháo dỡ các xưởng cưa, xẻ gỗ trên địa bàn cũng mới chỉ là kết quả bước đầu. Vấn đề quan trọng là không để tái diễn như lâu nay./.