Hàng trăm hộ dân bị đe dọa bởi núi lở

Hàng trăm hộ dân ở 2 bản Khe Ò và Khe Choóng, huyện Tương Dương, Nghệ An đã và đang sống trong cảnh lo sợ núi tiếp tục lở. Đã có hàng chục hộ đã phải bỏ nhà đi vì núi lở từ năm trước.

Khe Choóng và Khe Ò là 2 bản nằm trong diện di dời do chịu ảnh hưởng trực tiếp của công trình thuỷ điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương (Nghệ An). Sau 8 năm chuyển về nơi ở mới, hàng trăm hộ dân nơi đây lại phải đối mặt với tình trạng sạt lở núi nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống và đe doạ tới tính mạng của người dân.

Một tảng đá lớn đã sạt lở từ trên đồi xuống sau một cơn mưa lớn.

Gần 1 năm nay, gia đình anh Lương Văn Chanh - bản Khe Choóng đã không còn ở trong ngôi nhà do bản quản lý dự án thuỷ điện 2 xây dựng nữa, mà chuyển đến một căn lều dựng tạm ngoài triền sông. Lý do bởi vào tháng 6/2011, trong cơn bão số 2, khu vực nhà bếp của gia đình anh Chanh bị vùi lấp bởi đống đất đá lớn từ vách núi Nhạn Cuộng này rơi xuống. Và tàn dư của nó thì vẫn còn đây. Quá bất ngờ và lo sợ, anh vội vã đưa vợ con đi khỏi nhà, đề phòng tai hoạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Anh Lương Văn Chanh cho biết: "Sợ quá có dám ở mô... Đất đá tự nhiên rơi xuống giữa trưa, may mà lúc đó ko có ai ở trong nhà. Thôi đành phải chuyển đi chỗ khác ở cho an toàn hơn chú à".

Gia đình anh Lương Văn Chanh chỉ là một trong khá nhiều hộ dân của bản Khe Choóng - thuộc khu tái định cư thuỷ điện Bản Vẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ những vụ sạt lở núi. Chuyển về nơi ở mới từ cuối năm 2004, nhưng ngay sau đó hàng trăm hộ dân nơi đây đã phải đối mặt với tình trạng này. Ban đầu là những đụn đất đá nhỏ rơi xuống vào mua mưa bão, dần dần đất lấn xuống với mật độ dày hơn.

Để đối phó với tình trạng trên, 2 năm sau, tức là năm 2007 - BQLDA thuỷ điện 2 đã cho xây dựng những kè chống sạt lở. Thế nhưng không mấy khả quan hơn khi đất đá trên núi dồn xuống đẩy kè mỗi lúc mỗi sát với nhà dân. Và hàng trăm hộ dân bản Khe Choóng đang sống trong tình trạng hoang mang, bế tắc.

Ông Kha Văn Nguyên ngậm ngùi: "Nhà tôi ở sát núi. Mà ngay sau nhà tôi có hố nước từ trên núi xuống. Rồi mưa bão nhiều không biết sẽ sụt lún lúc nào nữa đây... Bà con dân bản ta sợ lắm rồi".

Cũng phải đối mặt với tình trạng sạt lở núi, bản Khe Ò chuyển về khu tái định cư mới với gần 50 hộ dân. Tuy nhiên lo sợ và bất an về sự cố sạt lở núi, nên chỉ có 9 hộ dám trụ lại bản. Từ sau vụ sạt lở vào tháng 6/2011, phiến đá nặng hàng tấn rơi từ núi xuống làm đổ nhà dân và lần lượt 35 hộ dân trong bản bỏ đi ngay sau đó. Và tàn dư của nó thì vẫn hiên ngang nằm đây.

Ông Lương Hữu Nội - Trưởng khu tái định cư thuỷ điện Bản Vẽ phân bua: "Khi mọi việc xẩy ra thì huyện có xuống hỏi thăm, hỗ trợ di dời cho 7 gia đình, mỗi gia đình 7 triệu đồng. Nhưng sau đó dân họ sợ bỏ đi, không có tiền hỗ trợ cũng đi".

Không khó để nhận thấy vẻ hoang tàn của khu tái định cư bản Khe Ò. Chấp nhận bỏ đi và làm nhà tạm sống ven sông là cách mà một số hộ dân nơi đây đã chọn để đối phó tình trạng sạt lở núi. Đây cũng là cách duy nhất người dân có thể làm được để bảo vệ tính mạng và sự an toàn của mình và những người thân trong gia đình khi mà nơi ở cũ không thể cho họ cảm giác yên tâm, an toàn được nữa.

Những ngôi nhà như thế này đã bị bỏ hoang từ nhiều tháng nay. Không biết đã có bao nhiêu tiền của được đổ vào đây nhằm xây dựng một khu tái định cư ổn định cho người dân tái định cư thuỷ điện Bản Vẽ. Tuy nhiên giờ đây tất cả tròn trĩnh con số 0.

Một mùa mưa bão nữa lại đang tới gần. Và thêm một lần nữa hàng trăm hộ dân còn lại của 2 bản Khe Choóng và Khe Ò thuộc khu tái định cư thuỷ điện Bản Vẽ lại tiếp tục phải sống trống trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" bởi sự đe doạ của sạt lở núi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên