Hạnh phúc trong “bình thường mới”
VOV.VN -Tại TP.HCM, sau đợt dịch lần thứ tư đầy khốc liệt và mất mát, nhiều người dân lại có thêm "định nghĩa" khác về hạnh phúc.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 năm nay có chủ đề "Yêu thương và chia sẻ”, với ý nghĩa động viên sự tích cực, nỗ lực nhiều hơn nhằm xây dựng, mang lại hạnh phúc cho nhiều người. Đối với nhiều người dân Việt Nam, đây không chỉ là dịp tôn vinh những giá trị truyền thống của gia đình, mà bằng những hành động thiết thực còn góp phần mang lại hạnh phúc cho cộng đồng. Tại TP.HCM, sau đợt dịch lần thứ tư đầy khốc liệt và mất mát, nhiều người dân lại có thêm "định nghĩa" khác về hạnh phúc.
Hạnh phúc là được sẻ chia
Dưới thời tiết nắng nóng của TP.HCM những ngày này, ông Phan Công Phụng (65 tuổi) vẫn đeo máy ảnh và khoác thêm cả chiếc ba lô lỉnh kỉnh đồ nghề dạo quanh bưu điện thành phố và phố đi bộ Nguyễn Huệ. Vừa đi ông vừa hào hứng chia sẻ, năm vừa qua, hơn 8 tháng ông chỉ ở nhà, máy ảnh cũng gác lại, lâu lâu nhớ quá lại lấy ra lau chùi, xếp lại những tấm ảnh cũ. Khi đó, ông Phụng chỉ mong sao mình sớm được đi làm trở lại. Dù gia đình cũng chẳng khó khăn, con cái có thể hỗ trợ, nhưng còn sức khoẻ, ông lại muốn làm việc. Mỗi bức ảnh có giá từ 30.000-50.000 đồng, trung bình hằng tháng cũng đủ nuôi bản thân và chia sẻ bớt chi phí cho các con.
Từng chứng kiến TP.HCM trải qua những ngày mất mát, đau thương, hơn ai hết, những người lao động như ông Phụng hiểu rằng, hạnh phúc chính là bản thân và mọi người xung quanh đều mạnh khoẻ: "Trong cuộc sống mình cứ khoẻ, đi làm đã là may mắn rồi, chỉ sợ ốm đau bệnh tật nằm ở nhà”.
Cùng cả gia đình tham quan và chụp hình lưu niệm khu vực trước Nhà thờ Đức Bà, chị Thanh Tuyền ngụ tại TP. Thủ Đức cho hay, được tham quan những địa điểm quen thuộc của thành phố, gặp những người mà trước đây chẳng mấy để ý như bác thợ chụp hình, người bán hàng rong,… cũng là một điều quý giá với chị ở thời điểm hiện tại. Bởi sau đại dịch, họ đều bình an quay trở lại công việc. Từng nhiều lần đến những địa điểm này nhưng đây là lần đầu tiên, chị Tuyền cùng gia đình thuê thợ chụp ảnh lưu niệm, thay vì sử dụng điện thoại thông minh. Đó cũng là cách mà chị Tuyền ủng hộ và chia sẻ với những người xung quanh, bằng những gì mình đang có. Chị Tuyền cho biết thêm: "Đối với bản thân tôi, hạnh phúc trong điều kiện bình thường mới là mong muốn không còn dịch bệnh, mọi người nhìn thấy nhau tay bắt mặt mừng chứ không phải nhìn thấy nhau qua lớp khẩu trang nữa".
Vun đắp cho tương lai
Còn đối với những người không may mất đi người thân vì COVID-19 trong đợt dịch vừa qua, dù nỗi đau mất mát vẫn còn đó, nhưng hơn ai hết, họ hiểu rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn và phải cố gắng cho ngày hôm nay. Gia đình chị Tuyết Lan cũng là một trong số đó.
Chồng mất, chị Lan giờ đây ngoài việc một mình nuôi 3 con đang tuổi ăn học, còn tự duy trì quán cơm chay xã hội Cường Béo mà chị cùng chồng đã gầy dựng suốt nhiều năm qua. Xoay sở mãi, đến tận tháng 2 năm nay, bếp ăn của chị mới hoạt động trở lại, công việc tất bật hơn, thiếu thốn đủ đường, nhưng nhờ có sự an ủi, động viên và ủng hộ của nhiều người, từ những em sinh viên, người bán vé số, công nhân có hoàn cảnh khó khăn, hay những thùng rau củ tươi xanh từ Đà Lạt gửi đến tận nơi từ sáng sớm..., chị Lan lại lấy đó làm động lực tiếp tục công việc của mình đến tối khuya.
Nghe những cô, cậu sinh viên hay cả những người đã ra trường, đi làm quay trở lại quán, gọi mình bằng tiếng “má” thân thương, bao mệt mỏi của chị Lan dường như tan biến: "Nhiều người, mấy đứa con thấy mở quán lại, tụi nó vô ăn đông rồi hỏi thăm, tụi nó vô chào má,… nên cơn buồn của mình qua, bệnh thì cũng rất nhiều nhưng mình cũng rất hạnh phúc vì còn có nhiều người khổ hơn mình.”
Nói về hạnh phúc, mỗi người có một quan niệm khác nhau nhưng tựu chung lại, đó là sự yêu thương, chia sẻ, cùng nhau vượt qua khó khăn dịch bệnh, hướng về một cuộc sống tốt đẹp hơn./.