Hành trình bắt 11 tên cướp biển của Cảnh sát biển Việt Nam

(VOV) - Các chiến sỹ cảnh sát biển Việt Nam đã đột kích tàu Zafirah, khống chế 11 hải tặc người Indonesia đang chiếm giữ con tàu.

Chiều 19/11, Cục Cảnh sát biển Việt Nam nhận được tin báo từ Trung tâm thông báo cướp biển của Cục Hàng hải quốc tế, thông báo tàu Zafirah bị mất tích và rất có thể đã bị cướp biển tấn công. Vị trí cuối cùng chủ tàu liên lạc được với thủy thủ ở cách vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khoảng 110 hải lý.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Cảnh sát biển Việt Nam đã chỉ đạo Cảnh sát biển vùng 3 triển khai 2 biên đội tàu tổ chức truy tìm tàu bị mất tích. Sau 2 ngày truy tìm, các chiến sỹ cảnh sát biển Việt Nam đã đột kích tàu Zafirah, khống chế 11 hải tặc người Indonesia đang chiếm giữ con tàu. Đây là sự kiện đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của Cục Cảnh sát biển Việt Nam trong công tác đảm bảo an toàn an ninh vùng biển.

Phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá Nguyễn Quang Đạm, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Việt Nam:

 

Bắt cướp trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm

PV: Thưa Đại tá, khi nhận được tin báo từ Trung tâm thông báo cướp biển của Cục Hàng hải quốc tế về việc tàu chở hóa chất Zafirah treo cờ Malaysia bị mất tích có khả năng đang ở vùng biển của Việt Nam, Cục Cảnh sát biển Việt Nam đã triển khai các phương án như thế nào?

Đại tá Nguyễn Quang Đạm: Ngày 19/11, Trung tâm chia sẻ thông tin Cục Cảnh sát biển nhận được thông báo từ Trung tâm thông báo cướp biển của Cục Hàng hải quốc tế, về việc Tàu Zafirah treo cờ Malaysia chở dầu nhẹ bị mất tích, có khả năng bị cướp biển tấn công.

Ngay sau khi nhận được tin, chúng tôi đã báo cáo với Bộ Tổng tham mưu và thông báo với các lực lượng, hiện đang hoạt động trên biển, nắm và báo cáo tình hình kịp thời về Sở Chỉ huy Cục khi có thông tin về tàu trên. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm chia sẻ thông tin của Cục tiếp tục liên hệ với các cơ quan để nắm thêm thông tin.

Ngày 20/11, qua thông tin của ngư dân báo đã cứu được 9 người quốc tịch Malaysia bị trôi dạt, do bị cướp biển đẩy xuống biển. Tổng hợp các thông tin, từ đó chúng tôi khẳng định, tàu Zafirah bị cướp biển tấn công đang hoạt động ở vùng biển Việt Nam.

Theo sự phối hợp giữa Cảnh sát biển với các Cảnh sát biển các nước trong khu vực, chúng tôi chấp hành điện của Bộ Tổng tham mưu – Bộ Quốc phòng, tổ chức lực lượng tìm kiếm và truy đuổi chiếc tàu này. Chúng tôi đã điều tàu đang trực ở khu vực Trường Sa và tàu từ bờ ra đến khu vực đang hoạt động của tàu Zafirah. Vì theo thông tin, sau khi cướp tàu dầu, thì bọn cướp sẽ bán dầu ở trên biển, khu vực cách Vũng Tàu khoảng 40-50 hải lý.

Sau gần 2 ngày triển khai đội hình và sử dụng ác biện pháp chiến thuật sục sạo, tìm kiếm tàu cướp biển, đến 3h sáng 22/11, chúng tôi phát hiện một tàu có đặc điểm nhận dạng giống với nhận dạng được thông báo từ chủ hãng tàu bị cướp. Nhưng qua so sánh, chúng tôi phát hiện hai sự khác biệt, đó là số hiệu tàu không phù hợp (số hiệu được đăng kiểm trong hệ thống tàu biển IMO của quốc tế) và tên tàu không phù hợp so với Trung tâm Thông báo cướp biển Malaysia và Hải quân Singapore cung cấp.

 

Tuy nhiên trên cơ sở nhận dạng đánh giá, chúng tôi khẳng định tàu này đã bị cướp biển khống chế. Trước tình hình đó, chúng tôi đã thông báo cho Trung tâm chống cướp biển Singapore và Hải quân Malaysia để xác nhận tàu này, và được hai cơ quan xác nhận tên và số tàu không có trong danh mục đăng ký trong hệ thống tàu vận tải biển quốc tế, khả năng tàu này đã sửa tên và số hiệu tàu. 

Để đảm bảo an toàn và khống chế tàu cướp biển, Cục Cảnh sát biển đã sử dụng hai tàu 4031 và 4034 chiếm lĩnh vị trí hai bên mạn tàu cướp biển, khống chế, yêu cầu tàu thả neo cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 70 km và chúng tôi canh giữ, đồng thời tiếp tục xác minh các thông tin liên quan.

Đến chiều 22/11, chúng tôi khẳng định đây là tàu cướp biển. Chúng tôi đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu, xin phương án giải quyết nhanh. Trong lúc đó thì bọn cướp biển nhổ neo để tháo chạy. Chúng tôi đã triển khai các phương án, bằng nghiệp vụ đã bắt gọn chiếc tàu này và bắt được 11 tên cướp biển người Indonesia, đã cướp chiếc tàu của Malaysia, tàu chở dầu khoảng 300-400 tấn dầu khí gốc (dầu có chất lượng cao) để tiêu thụ.

Chúng tôi đã bàn giao 11 tên cướp biển này cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà rịa – Vũng Tàu tiếp tục điều tra và liên hệ với các tổ chức chống tội phạm quốc tế để xử lý theo pháp luật.

PV: Theo ông, thành công nhất của sự kiện này đối với Cảnh sát biển Việt Nam là gì?

Đại tá Nguyễn Quang Đạm: Chúng tôi cho rằng đó là sự phối hợp, liên hệ chặt chẽ của Cảnh sát biển Việt Nam với các Trung tâm chống cướp biển trên thế giới và đã linh hoạt, thực hiện nghiêm chỉnh chỉ dạo của Bộ Quốc phòng, giải thoát được tàu bị cướp, bắt được 11 tên cướp biển.

Bởi cướp biển thường là đối tượng rất nguy hiểm, liều lĩnh và có tính manh động cao. Do vậy nếu xử lý không cương quyết, không dự kiến hết khả năng thì sẽ rất phức tạp và gây tổn thất cao. Bởi trên thế giới, xử lý cướp biển bao giờ cũng để lại hậu quả ít nhiều, thậm chí còn gây nên thảm họa. Chúng tôi cho rằng, nếu xử lý không tốt - ví dụ như lượng dầu mà vỡ, tràn ra vùng biển Vũng Tàu thì hậu quả rất nặng nề.

Chúng ta đã đấu tranh cương quyết, liên tục, không ngừng, với thái độ và trách nhiệm cao và dũng cảm, đã bắt giữ được tội phạm cướp biển, và đặc biệt là an toàn về cả con người và phương tiện.

Hơn nữa, chúng tôi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện sóng gió lớn, sóng cấp 5, gió cấp 6, và trong điều kiện không hiểu cướp biển trên tàu đó hoạt động như thế nào. Mặt khác đây là tàu chở dầu, nếu dùng biện pháp mạnh, vũ khí, hỏa lực… để trấn áp thì tiêu diệt được ngay cướp biển, nhưng lại rất dễ bị thảm họa tràn dầu. Chính vì vậy đây là bàn toán rất khó, chúng tôi đã xin chủ trương của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và Bộ cũng đặt ra vấn đề là đấu tranh kiên quyết đến cùng, nhưng đặc biệt phải giữ an toàn.

Đây là bài toán khó nhất và mâu thuẫn trong quá trình xử lý tình huống này, song chúng tôi đã tìm các biện pháp, cùng với sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, chúng tôi đã thành công.

 

Đại tá Nguyễn Quang Đạm (ngoài cùng bên phải)

Bảo đảm an toàn cho ngư dân bám biển

PV: Trong thời gian tới, công tác đảm bảo an toàn an ninh trên biển được Cảnh sát biển Việt Nam tăng cường như thế nào, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Quang Đạm: Được thành lập năm 1998 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Cục Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng nhiệm vụ là đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn các vùng biển của Việt Nam. Trước tình hình mới, nhiệm vụ bảo đảm an ninh an toàn trên các vùng biển của Việt Nam là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của Cục Cảnh sát biển Việt Nam

Trong những năm qua, Cục Cảnh sát biển Việt Nam đã từng bước phát triển và lớn mạnh, thực hiện nhiều nhiệm vụ đảm bảo cho các hoạt động kinh tế biển của Việt Nam. Trong những năm qua, Cảnh sát biển thực hiện nhiều nhiệm vụ như tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, duy trì an ninh trật tự và thực hiện các biện pháp an ninh hàng hải trên biển.

Chống cướp biển trên biển Việt Nam hiện nay cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của Cảnh sát biển để đảm bảo cho hoạt động kinh tế biển. Muốn vậy, hoạt động của Cảnh sát biển trong thời gian tới vẫn phải tập trung vào nhiệm vụ chính. Đó là: đảm bảo an toàn an ninh, trật tự và đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển như công tác kiểm tra kiểm soát, nắm tình hình, công tác phối hợp với các lực lượng, công tác tổ chức kiểm tra kiểm soát và xử lý theo các quy định pháp luật của Việt Nam, cũng như quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

PV: Hiện nay, trên vùng biển chủ quyền Việt Nam có rất nhiều tàu lạ nước ngoài hoạt động. Trong trường hợp các tàu tàu nước ngoài cố tình “kiếm chuyện” hoặc gây bất lợi cho ngư dân Việt Nam, thì cần xử lý ra sao và ông có khuyến cáo gì cho ngư dân trong các trường hợp như vậy?

Đại tá Nguyễn Quang Đạm: Vùng biển Việt Nam hiện nay có nhiều khu vực đang có các nhận thức khác nhau, nhất là đối với nước ngoài có những tuyên bố khác nhau nên có ảnh hưởng nhất định đến chủ quyền của Việt Nam.

Đối với tình hình an ninh trên biển, đặc biệt là đối với tâm tư và ảnh hưởng tới ngư dân khi làm ăn trên biển, chúng tôi đã có những chính sách tuyên truyền cho bà con hiểu rõ khu vực phạm vi biển của Việt Nam đến đâu, như thế nào và và trách nhiệm của họ phải tham gia phối hợp với các lực lượng của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền; đồng thời có các biện pháp để họ cảnh giác đối với các hoạt động không hợp pháp của nước ngoài ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của bà con ngư dân.

Đối với cảnh sát biển Việt Nam, ngoài các biện pháp pháp truyên truyền, chúng tôi sẽ tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát ở vùng biển xa, nhất là những khu vực nhạy cảm, những khu vực có nhiều hoạt động của nước ngoài, để tạo nên môi trường an ninh cho bà con yên tâm thực hiện nhiệm vụ khai thác kinh tế biển.

PV: Xin cảm ơn Đại tá!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cảnh sát biển bắt nhóm cướp biển cướp tàu chở dầu Zafirah
Cảnh sát biển bắt nhóm cướp biển cướp tàu chở dầu Zafirah

Cảnh sát biển Vùng 3 đã bàn giao toàn bộ 11 tên cướp cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cảnh sát biển bắt nhóm cướp biển cướp tàu chở dầu Zafirah

Cảnh sát biển bắt nhóm cướp biển cướp tàu chở dầu Zafirah

Cảnh sát biển Vùng 3 đã bàn giao toàn bộ 11 tên cướp cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.