Hình ảnh dân chen chúc lên xe về quê dịp Quốc khánh 2/9
VOV.VN -Một giường nằm nhét 2, thậm chí 3 hành khách. Xe đã chuyển bánh nhưng kẻ đứng không được, người ngồi không xong.
Ngày Quốc khánh 2/9 năm nay rơi vào thứ Hai đầu tuần nên người dân cả nước sẽ có kỳ nghỉ lễ dài 3 ngày, chính vì vậy, nhu cầu đi lại du lịch, về quê… tăng cao.
Dự đoán trước tình hình này, các bến xe đã chủ động tăng cường chuyến đi. Riêng tại thủ đô Hà Nội, Bến xe Hà Nội (bao gồm 3 bến: bến xe phía Nam, bến xe Gia Lâm và bến xe Mỹ Đình) đã tăng cường 190 chuyến xe phục vụ. Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại tăng cao, lại dồn dập vào một vài thời điểm nên tình trạng chen lấn lên xe, nhồi nhét, “chặt chém” giá vé vẫn diễn ra.
Bến xe Mỹ Đình chiều 30/8 đông nghịt hành khách. Ngay từ khu vực đường Phạm Hùng trước cổng bến xe, dòng người tay xách nách mang hành lý đổ vào trong bến mỗi lúc một đông. Các tuyến xe buýt nối đuôi nhau vào bến, trên xe, hành khách chen chúc đến chật cứng.
Bên trong khu vực nhà chờ bến xe Mỹ Đình, hành khách ngồi chờ mua vé xe kín ghế. Tại khu vực bán vé, người người chen nhau mua vé. Hành khách tập trung nhiều chủ yếu ở các tuyến xe đi các tỉnh như Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ...
Hành khách chen chúc mua vé tại bến xe Mỹ Đình |
Bên ngoài khu vực ra xe, hành khách đứng chờ xe tràn cả xuống phần đường ô tô, bất chấp cái nắng oi bức. Mỗi khi có xe vào bến, người trên xe chưa kịp xuống, người bên dưới đã cố gắng chen lên xe.
Đang chờ xe đi Phú Thọ, chị Nguyễn Thị Huế (Việt Trì, Phú Thọ) cho biết: "Mặc dù biết đi vào lúc này xe rất đông, nhưng vì muốn sớm được về nhà nên cũng đành ra bến để đợi xe. Không chỉ riêng 2/9 mà các ngày lễ tết, việc đi lại vô cùng vất vả. Tôi cũng đã quen với việc nhồi nhét, tăng giá vé mỗi khi lên xe về quê dịp lễ tết".
Tại bến xe Giáp Bát sáng sớm 31/8, trên một xe giường nằm tuyến Thanh Hóa- Hà Nội, nhiều người bước lên xe phải lắc đầu đi xuống bởi cảnh hành khách ngồi chen chúc, xe không còn lấy một chỗ trống.
Bình thường, một xe giường nằm chỉ đủ chỗ cho 40 hành khách. Tuy nhiên, dịp lễ này, một xe giường nằm có thể “nhét” tới 70-80 hành khách. Chiếc giường nằm chật hẹp vốn chỉ dành cho một người, nay được xếp đến 2, thậm chí 3 người. Do không có chỗ, có hành khách phải chịu cảnh ngồi vắt vẻo giữa 2 giường nằm tầng 2 suốt một chặng đường dài.
Xe giường nằm kín chỗ |
Lối đi ở giữa 2 giường nằm tầng 1 cũng được “tận dụng” triệt để. Xe giường nằm nhưng hành khách phải xếp hàng ngồi chen chúc ở khoảng giữa xe. Xe đã chuyển bánh rời bến, kẻ đứng không được, người ngồi không xong.
Dù xe đã chật kín chỗ, nhưng mỗi khi có khách đi qua, nhà xe vẫn đon đả chào mời. Họ tươi cười giải thích với các hành khách: “Ngày lễ mọi người thông cảm, chịu khó ngồi chật chội một tý. Xe nào cũng vậy thôi”.
Lê Văn Tuấn (thành phố Thanh Hóa), một hành khách đi trên xe cho biết: “Dịp lễ nào cũng vậy nên đi nhiều thành quen, xe nào cũng thế. Cũng may từ Hà Nội về nhà cũng chỉ 3-4 tiếng chứ lâu nữa chắc chẳng khác nào “hành xác”.
Trước đó, ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Công ty Bến xe Hà Nội khẳng định: “Kiên quyết không cho xuất bến đối với các xe không đủ tiêu chuẩn chất lượng, chở quá tải… ”. Tuy nhiên, với mọi nỗ lực của đội quản lý bến cùng các lực lượng an ninh trật tự, tình trạng xe chở quá tải vẫn tái diễn. Xe chở quá tải không chỉ vi phạm luật lệ Giao thông, “làm khổ” hành khách mà còn mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng của hành khách./.
Chùm ảnh PV ghi nhận tại các bến xe Hà Nội chiều 30/8 và sáng 31/8:
Dòng người đổ về bến xe Mỹ Đình đông nghịt |
Tay xách nách mang |
Xe buýt nối đuôi nhau đưa khách vào bến, trên xe không còn một chỗ trống |
Hối hả vào bến mua vé |
Khu vực nhà chờ, hành khách ngồi kín ghế |
Khu vực bán vé đi Quảng Ninh hành khách chen nhau mua vé |
Ai cũng mong mau chóng lên xe để kiếm cho được một chỗ trống |
Hành khách đứng chờ tại điểm xe đi Phú Thọ |
Nhiều người còn tràn ra bãi xe, bất chấp nguy hiểm khi các xe ô tô liên tục di chuyển |
Ùn ùn kéo lên xe |
Bên trong xe giường nằm, nhiều người phải ngồi kín giữa các lối đi |
Muốn di chuyển cũng rất khó khăn |