Hoang mang vì "dự án treo"

Hơn 10 năm nay, cuộc sống của người dân ở làng Hòa Vân, phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) bị xáo trộn, thấp thỏm bởi chuyện đi hay ở.

Làng Vân, nay gọi là thôn Hòa Vân, được hình thành từ năm 1968, làm nơi cách ly điều trị bệnh nhân phong. 124 hộ dân là những người mắc bệnh phong bị di chứng và thân nhân của họ gắn bó với ngôi làng này từ đó đến nay. Làng Vân được thiên nhiên ban tặng một bãi biển hoang sơ, cát trắng mịn xen lẫn ghềnh đá ẩn mình bên rừng rậm và những dòng suối trong vắt, nhìn ra vịnh Đà Nẵng yên ả, phía trước là hòn đảo đẹp như tranh vẽ. Với vẻ đẹp quyến rũ ấy, Hoà Vân trở thành điểm ngắm lý tưởng của nhiều nhà đầu tư du lịch.

Đầu những năm 2000, một số nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến khai thác lợi thế du lịch ở ngôi làng này. Nhưng mãi đến cuối năm 2007, UBND thành phố Đà Nẵng mới chấp thuận một dự án xây dựng làng Vân thành khu du lịch, nghỉ dưỡng có cả casino cao cấp... do Tập đoàn Oaktree (Mỹ) đầu tư, với nguồn vốn dự kiến gần 5 tỉ USD. Nhưng do khủng hoảng kinh tế thế giới, nhà đầu tư đã đình hoãn dự án này. Vậy là từ đó đến nay, làng Vân bé nhỏ ấy nằm trong diện “quy hoạch treo”. Cả trăm hộ dân sống trong cảnh thấp thỏm chuyện đi ở, cuộc sống khổ sở trăm bề.

Ông Nguyễn Thế Sanh, 85 tuổi, quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ra đây điều trị bệnh phong từ sau ngày giải phóng rồi cùng vợ chọn Hoà Vân làm quê hương thứ hai. Căn nhà tôn thấp lè tè đã 3 lần sửa chữa vì gió bão, lại nằm ngay dưới chân suối Cây Cam nên cứ đến mùa mưa là phải chạy lũ. Nhiều nhà từ thiện ngỏ ý giúp ông xây ngôi nhà mới nhưng vì vướng quy hoạch, nhà ông không dám xây mới cứ phải sống tạm trong căn nhà lụp xụp này.

Cũng tạm bợ như căn nhà của ông Sanh, những dãy nhà liền kề được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước dành để điều trị bệnh nhân phong nay đã xuống cấp trầm trọng, có thể bị sập đổ bất cứ lúc nào nhưng cũng không được phép xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp. Đà Nẵng là thành phố phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng giao thông, nhưng với người dân làng Vân, chuyện đi lại vẫn là bài toán khó. Người dân làng Vân muốn vào thành phố thường đi bộ qua đèo Hải Vân, hoặc men theo đường ray tàu lửa. Chẳng mấy ai có tiền để đi tàu thủy. Người ốm đau, bệnh tật, phụ nữ sinh nở, người nhà thường khiêng võng cắt rừng Hải Vân về trung tâm thành phố. Khổ nỗi, làng chỉ toàn phụ nữ, trẻ em và người bệnh nên việc gì cũng nhờ Trạm kiểm soát Biên phòng Hoà Vân.

Nhiều tổ chức từ thiện sẵn lòng ủng hộ xây dựng nhà tránh bão cho dân làng, nhưng vì vướng cái quy hoạch treo nên chưa thực hiện được. Nhiều gia đình dựng vợ, gả chồng cho con không được tách hộ, xây nhà. Một số hộ muốn mở mang kinh doanh, làm dịch vụ du lịch cũng không được cấp phép đầu tư. Ngay chương trình hỗ trợ giống tre trồng lấy măng của Hội Nông dân quận cũng tạm dừng cấp cho bà con. Việc hỗ trợ về giống nuôi như bò, lợn không đến với bà con làng Vân, kể từ ngày được thông báo di dời, giải toả. Ông Trần Hữu Đức, 14 năm làm trưởng thôn Hòa Vân day dứt: “Vì nằm trong diện giải toả nên Hòa Vân không được làm đường liên thôn. Bà con kiến nghị cấp sổ đỏ nhưng 10 năm rồi vẫn không được cấp”.

Hơn 120 hộ dân làng Vân mong muốn chính quyền thành phố Đà Nẵng thông tin một cách đầy đủ, rõ ràng chuyện đi hay ở. Chị Lê Thị Thuý, con của một bệnh nhân phong, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất làng Vân, bày tỏ: “Tôi nghe đài báo nói tháng 9 ni là di dời bệnh nhân, còn tháng 12 là mọi người phải đi hết. Cán bộ khi họp thì chưa nói chi hết mà chỉ thấy đo đất, đo rừng. Giải toả hay không giải toả thì nói dứt khoát chứ đừng treo mãi khiến dân hoang mang, không yên tâm làm ăn”.

Không chỉ người dân nơi đây mù mờ về thông tin quy hoạch mà ngay cả cán bộ địa phương cũng lúng túng. Theo ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, địa phương cũng không nắm rõ chủ trương của thành phố về dự án du lịch ở làng Vân. Mãi đến đầu năm 2008, UBND thành phố Đà Nẵng mới có văn bản thông báo đến từng sở, ngành về chủ trương quy hoạch thôn Hoà Vân thành “Quần thể khu du lịch Hoà Vân”, quy mô 1.650ha, trong đó có 500ha mặt nước biển với vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Thành phố đã giao cho “Công ty Quản lý khai thác đất” là chủ công trình này. Công ty đang gấp rút kêu gọi các nhà đầu tư. Quận Liên Chiểu được thành phố giao đến cuối năm nay hoàn thành việc di dời, giải tỏa…

Mong rằng, dự án sớm được triển khai để 124 hộ dân sống ở Hòa Vân được “an cư” để tính chuyện “lập nghiệp”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên