Bác sỹ thiện nguyện Võ Trương Như Ngọc

“Học tốt, mơ nhiều, yêu say đắm”

(VOV) - Anh là người nhiều tuổi nhất được vinh danh Gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô 2012.

Đó là câu khẩu hiệu nổi tiếng của sinh viên trường ĐH Y Hà Nội và có lẽ cũng là cụm từ chính xác, ngắn gọn nhất để nói về chàng thanh niên 35 tuổi Võ Trương Như Ngọc.

 “Học tốt, mơ nhiều…”

Từng là học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, từng mơ ước được làm luật sư, nhà báo, nhưng cuối cùng, Võ Trương Như Ngọc lại chuyển sang một lĩnh vựa hoàn toàn khác biệt: ngành y. Cơ duyên khiến anh đến với ngành y cũng giản dị vô cùng: Hồi học phổ thông, vì sức khỏe không tốt, anh nhiều lần phải nhập viện. Tại bệnh viện, anh được các bác sỹ, y tá chăm sóc, hỏi han tận tình. Điều đó đã khiến anh vô cùng cảm động và mơ ước trở thành bác sỹ để khoác trên vai chiếc áo blouse trắng. Năm lớp 12, từ khối C, anh chuyển sang học khối B và cố gắng hết mình để vào được trường đại học anh mơ ước.

Sinh ra trong một huyện nghèo ở Bình Định, mẹ là giáo viên tiểu học, bố làm nông nghiệp, nhà lại đông anh em, cuộc sống gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Thời sinh viên, cách xa quê hương hàng nghìn cây số, ngoài việc học tập, tham gia các hoạt động Đoàn, anh còn làm thêm nhiều công việc để anh còn làm thêm nhiều công việc để có đủ điều kiện học tập.

Dù cuộc sống bận rộn, nhưng anh luôn đặt học tập lên hàng đầu và có một thành tích đáng nể: Tốt nghiệp loại giỏi ĐH Y Hà Nội, tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành nha khoa loại xuất sắc, tốt nghiệp cao học Pháp – Việt Nha khoa phục hồi. Hiện anh vừa là giảng viên trường Đại học Y Hà Nội, vừa là bác sỹ Bệnh viện Đại học Y, vừa kiêm nhiệm Phó bí thư Đoàn trường và là Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật cao Răng hàm mặt (ĐH Y Hà Nội), trưởng bộ môn Răng trẻ em – Viện đào tạo Răng hàm mặt.

Anh được đánh giá là bác sỹ trẻ giỏi về nha khoa, từng được nhận bằng khen của Bộ Y tế, hiệu trưởng trường ĐH Y, là đại biểu tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam toàn quốc năm 2012… Về công tác Đoàn, anh được tặng Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ; Gương mặt có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn…

Anh chia sẻ: Ước mơ lớn nhất của anh là được trở thành một bác sỹ giỏi, giảng viên giỏi để có thể giúp đỡ các anh chị em trong gia đình và để anh có thể dùng năng lực của mình giúp đỡ những người khó khăn, đào tạo được những thế hệ bác sỹ nha khoa vừa có chuyên môn giỏi vừa có trách nhiệm với ngành, nghề..

Không chỉ xuất sắc trong học tập, công tác, Võ Trương Như Ngọc còn rất năng nổ trong các hoạt động thiện nguyện. Anh là người trực tiếp xây dựng và tham gia nhiều chương trình thiện nguyện ở các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Hà Nam, Đảo Bạch Long Vỹ… Đối với anh, tình nguyện là niềm đam mê lớn, không thể từ bỏ. Đến giờ, dù công việc bận rộn, anh vẫn thường xuyên tham gia, tổ chức các hoạt động tình nguyện cùng các đoàn thể khác và sinh viên trong trường.

Võ Trương Như Ngọc (ở giữa, áo trắng) trong một chương trình tình nguyện tại Hà Giang đầu năm 2013


Là Gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô 2012 do Thành đoàn - Hội sinh viên TP. Hà Nội bình chọn, anh chia sẻ: “Đó là niềm vui, niềm tự hào lớn với tôi. Những kết quả này không chỉ là công sức của riêng cá nhân tôi mà còn là của thầy và trò trường ĐH Y Hà nội, cùng các đơn vị, trường bạn đã giúp đỡ. Những nỗ lực, đóng góp của chúng tôi đã được ghi nhận. Đó sẽ là động lực rất lớn để chúng tôi phấn đấu làm được nhiều hoạt động có ích hơn cho xã hội”.

“Yêu say đắm”

Nói về câu slogan nổi tiếng của sinh viên trường Y, anh Ngọc chia sẻ: Anh không nhớ cụm từ này xuất hiện từ bao giờ nhưng anh cũng như rất nhiều sinh viên trường ĐH Y luôn coi đó là phương châm sống, học tập của mình. “Chúng tôi đặt mục đích học tập lên hàng đầu, chúng tôi ấp ủ nhiều khát vọng tuổi trẻ và nhất định chúng tôi sẽ “yêu say đắm””. Anh cười “yêu say đắm” ở đây bao hàm nhiều nghĩa lắm, đó là tình yêu nghề, yêu đất nước, con người… chứ không hẳn chỉ là tình yêu đôi lứa.

Đối với anh, ngoài tình yêu gia đình, tình yêu lớn nhất giúp anh luôn cố gắng hết mình đó là tình yêu thương con người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Chính tình yêu đó đã đưa anh đến với nghề y và đến với các chương trình tình nguyện.

Ban đầu, anh chỉ tham gia vào các chương trình hoạt động nhỏ của trường. Khi đứng ở vai trò Phó bí thư Đoàn trường, anh có điều kiện tổ chức những chuyến đi vùng cao, hải đảo khám bệnh, phát thuốc, ủng hộ quần áo ấm, thu hút các bác sỹ của nhiều bệnh viện và sinh viên tham gia.

Anh nói, khi đoàn tình nguyện đến vùng khó khăn, thường thấy cảnh người dân chen nhau xin thuốc. Những loại thuốc đó, dù gia trị giá trị không nhiều nhưng khi được phát, người dân vui mừng lắm. Rồi cảnh các em nhỏ, trời lạnh nhưng quần áo phong phanh, tay chân tím tái vì lạnh, khi được phát giày, quần áo đều nở những nụ cười rạng rỡ… Những hình ảnh ấy khiến anh không thể quên, nó thúc giục anh đi nhiều hơn, đến nhiều hơn với người nghèo, với các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Anh bảo: “Mỗi lần đi tình nguyện như vậy, điều quan trọng nhất những người nghèo nhận được không phải là những món đồ vật chất nhỏ bé, những lần khám và điều trị bệnh trực tiếp mà quan trọng hơn, họ được tuyên truyền về cách phòng bệnh, chữa bệnh, đó mới là thứ lâu dài”. Bản thân anh và mọi người, khi tham gia các chương trình tình nguyện cũng học hỏi được nhiều điều, hiểu nhiều hơn, rõ hơn về cuộc sống, tâm tư của những người bệnh.

Anh Ngọc chia kẹo cho các cháu vùng cao

Đối với chàng bác sỹ trẻ Võ Trương Như Ngọc, cho đi và không đòi hỏi nhận lại. Niềm vui của anh chính là được giúp đỡ người khác, được cống hiến cho xã hội, được nhìn thấy nụ cười trên môi những người nghèo.

Anh nói: “Nghề y ngoài trình độ, chuyên môn thì lương tâm, y đức là quan trọng nhất”. Tình yêu thương con người đã giúp anh đến với nghề này, và anh sẽ quyết tâm giữ gìn nó. Hiện nay, xã hội lên án rất nhiều về tình trạng y đức nhiều bác sỹ đang bị xuống cấp. Anh khẳng định đó chỉ là “số ít”, phần lớn bạn bè, động nghiệp, thầy cô giáo của anh vẫn đang ngày đêm âm thầm cống hiến, tận tụy vì bệnh nhân mà không cần đòi hỏi.

Anh cho rằng, vấn đề lớn nhất của ngành y nước ta là điều kiện cơ sở vật chất, con người chưa đồng đều. Ở các tuyến Trung ương, kỹ thuật y tế tương đối cao, nguồn nhân lực khá đầy đủ nhưng ở các tuyến dưới, điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực còn nghèo nàn. Điều này dẫn đến tình trạng chen lấn, quá tải ở bệnh viện tuyến trên và người bệnh thì cứ nghĩ là cần đến phòng bì để được ưu ái…

Nói về tình yêu đôi lứa, anh Ngọc chia sẻ: “Một ngày của mình gắn với giáo trình ở lớp, các ca chữa bệnh, trực đêm ở bệnh viện… Những ngày cuối tuần rảnh rỗi thì lại tham gia các chương trình tình nguyện. Hầu như ngày nào cũng bắt đầu từ 6h sáng đến 1h đêm mới kết thúc. Công việc bận rộn như thế nên tìm được người chấp nhận, hiểu và chia sẻ cùng mình thật khó”.

Đã sắp sửa qua tuổi 35, nhưng sớm tối anh vẫn đi về một mình. Tuy nhiên, chàng bác sỹ trẻ cũng tiết lộ, anh đã tìm được người “trong mộng” của mình. Bạn gái anh cũng là người rất năng nổ trong các hoạt động xã hội. Chính tinh thần thiện nguyện đã đưa hai người đến với nhau. Anh hóm hỉnh: “Một trong những mục tiêu lớn của năm tới của mình là lập gia đình”. Bên cạnh việc giảng dạy, nghiên cứu, tham gia các hoạt động cộng đồng, anh sẽ cố gắng sắp xếp lại thời gian dành cho gia đình ấy./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên