Hội tụ để chấn hưng
Giỗ Tổ là dịp thêm một lần người Việt Nam thấm nhuần giá trị hội tụ, đoàn kết, đồng thời bày tỏ khát vọng chấn hưng đất nước để dân thêm giàu, nước thêm mạnh...
- Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba
- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – hội tụ văn hóa tâm linh
- Phó Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng
Vào những ngày này, có cả triệu lượt người Việt Nam từ mọi miền Tổ quốc và kiều bào ta trên thế giới hành hương về vùng đất Tổ, thành kính dâng hương lên Quốc Tổ Hùng Vương. Giỗ Tổ là dịp thêm một lần người Việt Nam thấm nhuần giá trị hội tụ, đoàn kết, đồng thời bày tỏ khát vọng chấn hưng đất nước để dân thêm giàu, nước thêm mạnh...
Người dân đến dâng hương tại đền thờ các Vua Hùng trong ngày Giỗ tổ. Ảnh: Tá Lâm. |
Càng ngày chúng ta càng phát hiện ra nhiều giá trị nhân văn mà ông cha từ thời đại Hùng Vương truyền lại cho con cháu...Những di tích, di chỉ..., những truyền thuyết và cả kho tàng văn hóa dân gian còn lại đến ngày nay đều là di sản quý giá, tự thân là những giá trị, có sức thuyết phục lớn lao. Từ hàng ngàn năm trước, những thông điệp của một thời đại trên thuận dưới hòa, trẻ già cùng chung sức chống ngoại xâm, vua tôi dốc lòng chăm lo công việc an dân, gìn giữ non sông gấm vóc...hiển hiện, thành giá trị vật chất. Càng ngày, những giá trị đó càng tỏa sáng, thành những thông điệp nhiều ý nghĩa, cất lên tiếng nói chỉ dẫn của quá khứ với hiện tại và tương lai. Chỉ với hệ thống truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt và ngày giỗ Quốc Tổ, người Việt Nam có thể tự tin và tự hào là dân tộc có chung nguồn cội, có chung một ngày để hướng về:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba...
Có lẽ vì thế, nên giá trị lớn nhất, cơ bản nhất mà thời đại Hùng Vương để lại cho con cháu thời đại ngày nay là giá trị hội tụ, đoàn kết, hướng muôn dân trăm họ về một mối; kết muôn dân trăm họ thành một khối...
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao...
Vậy nên, những ngày này, mỗi người dân nước Việt càng thấy mình Việt Nam hơn, càng thấy mình có ý nghĩa trong đời sống của đất nước, gắn bó keo sơn với dân tộc, đất nước...Trở về cội nguồn, hướng về đất Tổ để tiếp nhận sức mạnh từ nguồn lực hội tụ của muôn dân trăm họ, để mỗi người, mỗi nhà, và cả đất nước thêm động lực mới, nguồn lực mới.
Nhớ lại cách đây 58 năm, trên đường từ Việt Bắc về Hà Nội tiếp quản Thủ đô sau 9 năm kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân nơi đất Tổ, viếng các Vua Hùng. Tại đây, Người căn dặn bộ đội: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...”
Không phải ngẫu nhiên mà vào thời điểm trước khi diễn ra sự kiện trọng đại ngày ấy, Người dừng chân nơi vùng đất linh!
Và, thật ý tứ, khi Người đề cao câu chuyện giữ nước!
Để giữ được nước, phải đoàn kết, đó là lẽ sống còn, đương nhiên. Để giữ đất nước bền vững muôn đời, còn phải dốc công sức trí tuệ dựng xây, chấn hưng đất nước. Đất nước có giàu mạnh, mới đủ lực để bảo vệ giang sơn gấm vóc trường tồn.
Bài học cấp thiết và ý nghĩa cho mỗi người dân nước Việt những ngày này, là ý chí tiếp nối Tổ tiên vươn lên giàu mạnh để giữ nước trường tồn.
Như thế, ngày Quốc giỗ hàng năm không chỉ là ngày nhớ ơn, tưởng niệm, thể hiện tinh thần hội tụ, mà còn là dịp báo công với Tổ tiên về thành tựu giữ nước.
Ngày Quốc giỗ sẽ là ngày hội dâng công, hiến kế chấn hưng đất nước. Đó hoàn toàn không phải là những kỷ lục mang tính hình thức, không mấy ý nghĩa, chúng ta vẫn thường gặp năm này năm khác, mà phải là những trăn trở, tâm huyết thực sự, trí tuệ thực sự, vì dân giàu, nước mạnh.
Như thế, ngày Quốc giỗ càng có ý nghĩa thiết thực biết bao!./.